Nhận định về nguyên nhân gây tử vong đối với cháu bé 1 tuổi tại trường mầm non do cơ quan pháp y của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an kết luận tại (Văn bản số 2755/C54 ngày 9/9/2013) đã được thông báo đến gia đình. BS Trần Đình Hiệu - nguyên trưởng khoa Tim nhi (Bệnh viện Bạch Mai), nguyên trưởng bộ môn Nhi (Đại học Y Hà Nội) - cho rằng, bản giám định có một số chỗ chưa chính xác.
Di ảnh cháu Trần Nhật Hương.
Ông cho rằng, theo kết quả giám định pháp y đó, thì nguyên nhân gây tử vong đối với cháu Trần Nhật Hương là nhồi máu ở phổi, tắc mạch vành ở thất phải, là hậu quả của viêm nội tâm mạc có trước và sặc bột là một nguyên nhân làm cho bệnh này nặng thêm và kết thúc sớm.
“Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, tôi khẳng định, cháu này không bị viêm nội tâm mạc bởi 2 lý do như sau” – ông Hiệu nói - "Lý do thứ nhất, bố mẹ cháu bé đều thấy cháu khỏe mạnh và phát triển bình thường nên mới cho trẻ đi nhà trẻ chứ không thì đã đưa cháu đến bệnh viện. Lý do thứ 2 đó là: Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là một bệnh rất nặng. Nguyên nhân có thể là tiên phát hoặc thứ phát".
Theo ông Hiệu, nguyên nhân tiên phát có thể gặp ở trường hợp nhiễm trùng huyết do những vi trùng bình thường gây ra. Biểu hiện của nó là sốt kéo dài mà không cắt nghĩa được nguyên nhân. Sau đó, dần dần, những triệu chứng tim sẽ xuất hiện như: khó thở, mạch nhanh, suy tim. Không phát hiện ra thì có thể có những biến chứng và chết trong trạng thái suy tim.
"Tuy nhiên, bệnh này hay gặp do nguyên nhân thứ phát hơn, Thậm chí, nó có thể xảy ra ngay ở bệnh viện, sau 1 thao tác chọc dò, thông tim, đặt ống thông tĩnh mạch… chỗ đó bị gây viêm tạo nên huyết khối, sau đó các huyết khối theo lên tim gây tắc mạch, lên phổi gây nhồi máu phổi, lên não cộng thêm vi trùng gây viêm não. Khi đó thì bệnh rất nặng" – BS Hiệu giải thích.
Lý giải về kết luận "bệnh lý nhồi máu phổi do thuyên tắc huyết khối có diễn biến thầm lặng là nguyên nhân gây tử vong nếu không được phát hiện kịp thời", như trong kết luận giám định pháp y, ông Hiệu khẳng định: "Nhồi máu phổi thì không thể thầm lặng. Chỉ ở những đứa trẻ sơ sinh non yếu thì trong tháng đầu tiên mới khó nhận biết bởi biểu hiện của bệnh ở những trẻ này là không rõ ràng. Còn trẻ lớn thì có biểu hiện rõ ràng, nhất là trẻ đã 1 năm tuổi".
Còn về dị vật ở đường thở, ông giải thích: "Khi dị vật vào đường hô hấp nó sẽ gây ra 1 hội chứng, gọi là hội chứng xâm nhập, biểu hiện là đứa trẻ có thể khó thở 1 cách cấp tính, ho sặc sụa để cố tống dị vật ra và tím đen lại. Nếu không được cấp cứu thì nó sẽ chết vì phù phổi cấp".
Đồng quan điểm này, Ths Vũ Thị Thúy Lan - Trưởng khoa Hô hấp Nhi (Bệnh viện Xanh Pôn) còn cho rằng, có một số trường hợp trẻ ăn quá no, sau đó đi nằm nên xảy ra hiện tượng trào ngược. Khi bị trào ngược, trẻ lại hít vào đường thở. Nếu không có ai phát hiện, để làm các động tác vỗ cho những thứ trào ngược ra ngoài thì trẻ cũng đã có thể tử vong chứ không cần phải bị nhồi máu phổi mới tử vong.
Do vậy, Ths Lan cũng khuyên các bậc cha mẹ, nếu trẻ đang ăn, hoặc khi trẻ nôn, trớ thì không bao giờ được vuốt xuống ngực, mà bắt buộc phải nghiêng đầu trẻ sang một bên sau đó vỗ để chất nôn ra ngoài.
Về kết luận "trong thời gian cháu Hương tử vong: căn cứ phản ứng sống tại vết tiêm tìm ven mu chân trái khi cấp cứu, xác định cháu Hương tử vong trong khoảng thời gian trong hoặc sau thời điểm tìm ven", nhiều bác sĩ bày tỏ quan điểm không đồng tình.
Theo kết luận tóm tắt về kết quả nghiên cứu của hội nghiên cứu nhi khoa Mỹ về bệnh Huyết khối nhĩ phải ở 25 bệnh nhân ở độ tuổi từ 10 ngày tuổi đến 14,6 tuổi) cho thấy: Có 44% bệnh nhi khi mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng như nghi ngờ nhiễm trùng và sốt. 36% không có triệu chứng và chỉ được chẩn đoán bằng siêu âm tim thường quy. 12% bệnh nhi có biểu hiện đau ngực. 4% bệnh nhi có đường truyền tĩnh mạch trung tâm sai vị trí. 4% ngừng thở với nhịp tim chậm ở 1 trẻ sơ sinh thiếu tháng. |
Trước đó, như đã đưa tin, khoảng 10 giờ ngày 27/8, chị Đậu Thanh Thủy (mẹ cháu Trần Nhật Hương, trú tại Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) đưa cháu Hương đến trường mầm non Thiên thần nhỏ rồi ra về. Khi đến lớp, cháu vẫn vui tươi, sức khỏe bình thường.
Đến khoảng 14h ngày 27/8, chị Thủy nhận được tin từ cô giáo cho biết cháu Hương đang cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên – Hà Nội). Nhận được tin dữ, gia đình đã tức tốc chạy tới bệnh viện nhưng đã muộn, các bác sĩ tại đây cho biết cháu Hương đã tử vong trước khi đến đây, và nghi ngại, cháu bé tử vong là do sặc cháo.
15 ngày sau khi cháu bé tử vong, gia đình đã được cơ quan điều tra thông báo về kết quả giám định pháp y cho biết nguyên nhân tử vong của cháu Hương là suy hô hấp do nhồi máu phổi và dị vật đường thở ở người có huyết khối buồng nhĩ phải. Tuy nhiên, gia đình đã không đồng tình với kết quả giám định này.
Bình luận của bạn