Ngay tại các địa điểm đã được phun thuốc diệt muỗi, người dân cũng vẫn không được chủ quan trong
phòng bệnh (Ảnh minh họa)
Số liệu mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho thấy, tích lũy số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay là 716 người, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, trong khoảng 3 tuần trở lại đây, số bệnh nhân mắc có xu hướng gia tăng mạnh. Nếu như ở những tháng trước đó, trung bình mỗi tuần có khoảng 10-30 bệnh nhân được ghi nhận thì trong 3 tuần gần đây, mỗi tuần ghi nhận 70-90 trường hợp mắc. Bệnh nhân rải rác tại 178 xã/ phường trên toàn thành phố, tuy nhiên tập trung đông tại các quận/ huyện ven đô gồm Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên và quận nội thành Đống Đa. Chỉ tính riêng tại quận Hà Đông, trong tháng 8 bùng phát đến 4 ổ dịch tại 4 phường, còn tại quận Đống Đa cũng có nhiều phường là điểm "nóng" của dịch gồm Trung Liệt, Láng Thượng, Ô Chợ Dừa…
Điểm đáng chú ý nữa là dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội năm nay diễn biến hết sức phức tạp. Qua công tác chủ động giám sát, khoanh vùng ổ dịch và xét nghiệm virus, TTYTDP Hà Nội phát hiện virus sốt xuất huyết Dengue năm nay lưu hành cả 4 type gồm D1, D2, D3 và D4, trong khi những năm trước thường chỉ có 1-2 type virus lưu hành mạnh. Điều này làm gia tăng yếu tố lây truyền bệnh. Thực tế, khá nhiều bệnh nhân mắc 1 type virus sốt xuất huyết dengue này vừa được chữa khỏi thì lại mắc phải type virus sốt xuất huyết dengue khác. Thậm chí, chỉ trong thời gian ngắn có một bệnh nhân được phát hiện tái mắc sốt xuất huyết đến 4 lần. Cũng đã có những chùm ca bệnh với cả nhà mắc sốt xuất huyết được ghi nhận.
Còn tâm lý chủ quan
Hiện tại, TTYTDP Hà Nội đã phát hiện, điều tra và khoanh vùng, xử lý triệt để 115 ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, không để bùng phát, lan rộng thành ổ dịch lớn, không có bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do tại một số khu vực, người dân còn chủ quan, không hợp tác. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, tại một quận nội thành có nhiều ổ dịch, khi các đoàn công tác của cơ quan y tế đến khoanh vùng, xử lý ổ dịch thì có tới 30% số hộ vắng mặt, đặc biệt có tới 26% số hộ có mặt nhưng không hợp tác, ngăn cản không có cán bộ dịch tễ vào diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi phòng sốt xuất huyết. Điều này làm giảm tác dụng phòng dịch bởi theo quy trình, muốn xử lý một ổ dịch phải khoanh vùng và xử lý triệt để. Trong trường hợp tại ổ dịch đó nhưng chưa được xử lý triệt để thì mầm mống lây truyền bệnh vẫn còn, muỗi truyền sốt xuất huyết các hộ chưa được xử lý lại bay sang các hộ đã được xử lý, khi đó dịch tiếp tục bùng phát lại.
Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, thời điểm này mới bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội. Theo kinh nghiệm, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 9-10 hàng năm, do đó trong thời gian tới số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ còn tăng mạnh. Ngoài việc tiếp tục tổ chức các chiến dịch phun thuốc diệt muỗi, diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường tại các khu vực trọng điểm của dịch, ngành y tế cũng sẽ tham mưu cho chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đến từng gia đình, tận các hộ dân để nâng cao ý thức phòng bệnh cho mình và cộng đồng.
Khuyến cáo
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, trong thời gian cao điểm của
dịch, những người có triệu chứng sốt cao nghi mắc sốt xuất huyết cần phải khai báo ngay với chính
quyền địa phương để được khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời. Mặt khác, phải chủ động đến các cơ
sở y tế để được điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. |
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn