Những bức ảnh khoa học tự nhiên ấn tượng nhất năm 2022 của National Geographic.
Nhiếp ảnh gia Renan Ozturk phát hiện ra những tảng băng trôi màu xanh nhạt khổng lồ trong chuyến hành trình 5 tuần với tàu thám hiểm National Geographic Polar Sun khám phá vùng biển ngoài khơi Greenland.
Hình ảnh ấn tượng khi những cơn mưa dung nham và đá nóng chảy bắn tung tóe trong một vụ phun trào núi lửa có sức tàn phá lớn nhất ở Quần đảo Canary trong 500 năm qua - Ảnh: Carsten Peter/National Geographic.
Một tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng từ Cape Canaveral vào sáng sớm ngày 19/6, lao vọt lên phía trên rừng cây bách - Ảnh: Mac Stone.
Tuần lộc Bắc Cực hay còn gọi là tuần lộc Peary đang cho thấy một sự sụt giảm về số lượng một cách bí ẩn trên khắp khu vực Bắc Mỹ. Đàn tuần lộc Tây Bắc Cực hiện có số lượng dưới 200.000 con, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp và nạn săn bắn đều được cho có thể là những yếu tố khiến loài động vật đặc trưng của dịp Giáng sinh này đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, những khu rừng nguyệt quế của Madeira bắt nguồn từ một quần đảo miền núi của Bồ Đào Nha ở Bắc Đại Tây Dương phía Tây Châu Phi. Ở độ cao từ 300 - 1500m, những dải sương mù bao phủ tạo nên khung cảnh mờ ảo như lạc vào những khu rừng trên mây - Ảnh: Orsolya Haarberg/National Geographic.
Những chú vẹt đuôi dài màu xanh vàng đậu trên mái nhà ở Caracas, thủ đô Venezuela, chờ người dân địa phương cho ăn - Ảnh:Alejandro Cegarra.
Một con lợn biển đang gặm một cọng cỏ biển ở dưới khu vực sông Ichetucknee của Florida (Mỹ), nơi có dòng nước ấm và sạch đã trở thành nơi trú ẩn mùa Đông cho các loài động vật. Lợn biển không thể chịu được nước lạnh dưới 20 độ C. Đến tháng 9 năm nay, khoảng 683 con lợn biển đã chết kể từ tháng 1 - Ảnh: Jason Gulley.
Để tạo ra bức ảnh chụp vườn quốc gia Bears Ears, nhiếp ảnh gia Stephen Wilkes chụp 2.092 bức ảnh trong hơn 36 giờ và kết hợp 44 bức ảnh. Thắng cảnh ở đông nam bang Utah phản ánh rủi ro đối với những khu vực độc đáo không thể thay thế của Mỹ trước hoạt động khoan và khai thác mỏ - Ảnh: Stephen Wilkes.
Những chú gấu trúc con 6 tháng tuổi này được chụp ảnh đang ăn vặt và chơi đùa trên cánh đồng hoa. Hình ảnh này là một phần trong mục tiêu dài hạn của nhiếp ảnh gia Ami Vitale về bảo tồn loài gấu trúc khổng lồ.
Voi Châu Á hoang dã đứng lẫn với đàn gia súc ở một bãi rác gần Minneriya, trung tâm Sri Lanka. Quốc đảo này là ngôi nhà của 6.000 con voi sống gần với con người. Do mất môi trường sống là rừng cây ở vùng đất thấp, voi châu Á lang thang quanh nơi ở của con người và có thể ăn ít nhất 100 loại cây khác nhau. Giới nghiên cứu đang theo dõi nồng độ cortisol, một hormone stress có hại cho sức khỏe của voi - Ảnh: Brent Stirton.
Những nhà khoa học ở công ty sản xuất thủy tinh và gốm Corning tại New York tạo ra loại gốm ruy băng dẻo và bền, có thể kéo thành sợi mỏng hơn tờ giấy, có thể dùng trong sản xuất cảm biến xe hơi và nhiều thiết bị khác sử dụng trong môi trường khắc nghiệt hoặc loại pin mới - Ảnh: Christopher Payne.
Các nhà khoa học thần kinh ở Đại học Virginia ghi lại hoạt động não của bé trai 9 tháng tuổi Ian Boardman trong khi cọ vào da bé để kích hoạt phản ứng sợi thần kinh. Ảnh của nhiếp ảnh gia Lynn Johnson.
Nhiếp ảnh gia Sasha Arutyunova sử dụng kỹ thuật phơi sáng chụp khung cảnh những dòng người du khách tham quan Đài tưởng niệm Lincoln được chạm khắc từ 38.000 tấn đá cẩm thạch, đá vôi và đá granit ở Washington, D.C.
Với bộ đồ bảo hộ, Armando Salazar cẩn thận bước trên mặt đá nóng bỏng, lấy một khối dung nham nóng cháy bằng cây cào. Đó là một ngày làm việc của Salazar, chuyên gia khẩn cấp trong quân đội Tây Ban Nha, khi ông thu thập mẫu vật trong vụ phun trào năm 2021 ở sườn núi lửa Cumbre Vieja tại La Palma. Các nhà khoa học cũng bước qua dòng dung nham để theo dõi khí gas, ghi chép về động đất nhằm hiểu rõ hơn về vụ phun trào kéo dài gần 86 ngày. Phát hiện có thể giúp họ xác định khả năng phun trào trong tương lai của Cumbre Vieja - Ảnh: Arturo Rodriguez