Hôn nhân đồng giới không được pháp luật công nhận. Ảnh: CHÍ CƯỜNG
Chỉ người thânmới được mang thai hộ
Chế định "mang thai hộ vì mục đích nhân đạo" là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) ngay từ khi được đưa ra Quốc hội lần đầu ở kỳ họp thứ 6 (năm 2013). Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, "mang thai hộ" sẽ nhân đạo với người có nhu cầu nhưng không nhân đạo với đứa trẻ được sinh ra, sẽ tạo thêm sự phân biệt giàu nghèo, dễ bị lợi dụng thương mại hóa, thiếu tính khả thi, hay không phù hợp với văn hóa Việt Nam… Và trong phiên biểu quyết vừa qua, có tới 126 đại biểu không tán thành với Điều 95 - Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, toàn bộ dự luật đã được thông qua với tỷ lệ 79,52%. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Nhiều đại biểu tán thành chế định này còn đề nghị bổ sung Điều 95 quy định "trong trường hợp không có người thân thích cùng hàng thì có thể nhờ người khác mang thai hộ", đồng thời quy định cụ thể "độ tuổi phù hợp". Tuy nhiên, Luật được thông qua đã trên nguyên tắc "người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng để ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ". Theo đó, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ 5 điều kiện: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Ngoài ra, Luật cũng có các điều khoản để giải quyết những rắc rối phát sinh. Đáng chú ý, việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con (của người mang thai hộ) theo chính sách DS-KHHGĐ. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con. Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ…
Công việc nội trợ được coi như lao động có thu nhập
Luật đã quy định theo hướng, việc quy định nam, nữ đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng và thời gian chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ không được tính là thời kỳ hôn nhân, là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nếu bổ sung khái niệm "hôn nhân thực tế" sẽ vô hiệu hóa các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, quyền lợi của đứa trẻ sinh ra trước thời điểm bố, mẹ đăng ký kết hôn vẫn được bảo đảm. Ngoài ra, Luật còn quy định "công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập" nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Người đồng giới sống chung, luật không điều
chỉnh
Khoản 2 Điều 8 nêu rõ: "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính". Vấn đề này cũng từng gây nhiều tranh cãi trong dư luận và ở nghị trường. Có ý kiến đề nghị bổ sung một chương quy định về việc đăng ký sống chung giữa những người cùng giới tính, bỏ cụm từ "Nhà nước không thừa nhận" và sửa lại nội dung "Chung sống giữa hai người cùng giới tính không gọi là hôn nhân". Tuy nhiên, với Điều 8 của luật vừa thông qua, đã khẳng định quan hệ chung sống này không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Sẽ có Nghị định về hôn nhân theo tập quán
Qua các lần lấy ý kiến ở Quốc hội, đã có nhiều đề nghị loại bỏ yếu tố phong tục tập quán để đảm bảo công bằng, thượng tôn luật pháp, tuy nhiên, đa số đại biểu Quốc hội vẫn tán thành quy định áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình. Theo đó, Điều 7 quy định : "Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng". Thường vụ Quốc hội cho rằng, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều tập quán tốt đẹp, đa dạng, phong phú, nội dung quy định tại Điều 7 thể hiện việc tôn trọng những tập quán tốt đẹp, đồng thời cũng làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Chính phủ sẽ có Nghị định nhằm đảm bảo tính khả thi của quy định này.
Tuổi kết hôn - sửa chữ, không sửa số
Từng có đề nghị tuổi kết hôn nam, nữ phải bằng nhau để đảm bảo bình đẳng giới, cũng có ý kiến tăng tuổi kết hôn của nữ từ 18 lên 20... Và trong Luật vừa thông qua, số tuổi cơ bản giữ nguyên, chỉ bổ sung từ "đủ": "Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên".
|
Bình luận của bạn