Empty
Empty
Empty

Thưa PGS.TS Trần Đáng, là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, ông có thể giải thích cho độc giả của tạp chí Sức khỏe+ hiểu vì sao ông lại cùng với nhiều người khác đứng ra vận động thành lập một hiệp hội ngành nghề lúc đó còn chưa được coi trọng không?

Có ba lý do để thành lập Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam.

Lý do thứ nhất là do điều kiện phát triển của ngành Thực phẩm chức năng trên thế giới cũng như Việt Nam. Khoảng những năm 2000, những sản phẩm Thực phẩm chức năng (TPCN) đã du nhập vào Việt Nam, được cộng đồng trong nước đón nhận. Nhưng hồi đó, hầu như không có một sản phẩm nào là do Việt Nam sản xuất, hoàn toàn là sản phẩm nhập ngoại, do nước ngoài sản xuất như Mỹ, Úc... Trong khi đó, Việt Nam chúng ta có một nền y học hàng nghìn năm, với số lượng bài thuốc vô cùng đồ sộ, điều trị rất nhiều bệnh, trong đó có những bài thuốc cũng tương đương với các thuốc điều trị Tây y khác, chỉ khác là sử dụng các cây thuốc toàn tính chứ không chiết xuất thành các hoạt chất như Tây y. Nếu không sử dụng được thì rất phí, vừa lãng phí nguồn tri thức khổng lồ của bao nhiêu thế hệ, vừa lãng phí cây thuốc của Việt Nam.

Sau đó vài năm, khoảng những năm 2006-2007, số lượng sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước đã nhiều, số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất TPCN cũng tăng lên. Thế nên cần một lực lượng tư vấn, hỗ trợ, kết hợp các doanh nghiệp lại để phát triển đúng hướng. Thêm vào đó, Hiệp hội TPCN Quốc tế và Hiệp hội TPCN ASEAN cũng gửi thông tin, đề xuất Việt Nam thành lập Hiệp hội TPCN Việt Nam. Chính vì thế, tôi cùng với BSCKII.LG Phạm Hưng Củng, DS. Nguyễn Xuân Hoàng cùng với một số nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp khác đã cùng bàn bạc, thành lập Hiệp hội TPCN Việt Nam, với mong muốn mở ra một cơ hội, đưa các bài thuốc của ông lang bà mế ở khắp vùng miền trên đất nước, thông qua những công nghệ hiện đại, tiến ra thế giới, giới thiệu cho người dân trên toàn thế giới biết về y học cổ truyền Việt Nam, tiệm cận và hội nhập với sự phát triển của ngành y học thế giới. Cũng là mong muốn, giúp các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm của Việt Nam, vươn mình ra thế giới.

Empty

Sự thành lập của VAFF phải nói là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Vậy, trong 15 năm vừa qua, VAFF đã có những đóng góp gì với sự phát triển của ngành TPCN Việt Nam, thưa ông?

Như tôi đã nói, sự ra đời của VAFF gắn với quy luật phát triển của TPCN ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Từ khi ra đời, Hiệp hội đã có nhiều hoạt động và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Để có thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, ngay từ năm đầu thành lập, Hiệp hội đã hoàn thiện bộ máy tổ chức, thành lập các ban chuyên môn để có thể hỗ trợ đến mức tối đa cho các doanh nghiệp thành viên. Ngay từ sớm, Hiệp hội đã có chỉ đạo thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025, trở thành chỗ dựa tin cậy, khách quan để đánh giá sự phát triển của ngành TPCN. Viện Thực phẩm chức năng được thành lập ở năm thứ 2 của Hiệp hội, đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu và phát triển TPCN. Hiệp hội đã xin đất và xây dựng các trung tâm nghiên cứu của Viện tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và mới vừa đây, giai đoạn 1 của Viện tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được khánh thành và đi vào hoạt động.

Xác định giáo dục truyền thông là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, cốt lõi nên Hiệp hội cũng đã ưu tiên đẩy mạnh hoạt động này. Trước hết, Hiệp hội đã đẩy mạnh phát triển các kênh truyền thông (cả trực tiếp và gián tiếp) để lan truyền về Hiểu đúng, Làm đúng, Dùng đúng Thực phẩm chức năng. Các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí, hội thảo, tọa đàm… đều được sử dụng làm phương thức truyền thông hiệu quả. Cho tới nay đã có hành trăm doanh nghiệp thực phẩm chức năng cũng đã được hỗ trợ về truyền thông TPCN. Cũng để chuẩn bị cho điều này, năm 2011, Hiệp hội đã thành lập tạp chí Thực phẩm chức năng (cả tạp chí in lẫn tạp chí điện tử) nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền 3 Đúng của ngành. Năm 2021, thực hiện Quy hoạch báo chí theo yêu cầu của Chính phủ, Hiệp hội đã sáp nhập 2 tạp chí, thành lập tạp chí Sức khỏe+, tiếp tục ưu tiên truyền thông Hiểu đúng, Làm đúng, Dùng đúng về TPCN. Là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, Tạp chí Sức khỏe+, cũng tích cực tham gia trong việc tuyên truyền về công dụng, hiệu quả của TPCN tới người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, bảo vệ các doanh nghiệp trước những thông tin không đúng về TPCN…

Empty

Hiệp hội đã phối hợp với các Hội, Hiệp hội như Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội khoa Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên, Tập đoàn Unico (Nhật Bản), Tập đoàn Tiens (Trung Quốc) trong việc tổ chức truyền thông, quảng bá các sản phẩm tới người tiêu dùng. Sự phối kết hợp này đem lại cái nhìn đa chiều cho cộng đồng, người tiêu dùng và cả các bác sỹ về vai trò, hiệu quả của TPCN trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe chủ động.

Hiệp hội góp phần tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất TPCN. Năm 2010, Hiệp hội đã ban hành tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) TPCN và áp dụng tại các nhà máy thuộc các công ty hội viên, nhằm hướng tới phát triển hội nhập với ASEAN, Châu Á và thế giới. Đến năm 2018, Bộ Y tế mới ban hành và triển khai áp dụng GMP tại Việt Nam. Việc ban hành sớm các tiêu chuẩn tạo điều kiện, cơ sở cho các doanh nghiệp hội viên phát triển vượt trội. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng chú ý đến xây dựng các đơn vị điểm, đơn vị mẫu về áp dụng GMP, các tiêu chuẩn xây dựng và đảm bảo sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo các sản phẩm được tạo ra đạt chất lượng, an toàn và hiệu quả. Hiệp hội dự kiến sẽ tổ chức tôn vinh 10 doanh nghiệp trong 15 năm qua đã đảm bảo thực hành sản xuất tốt, kinh doanh tốt, không vi phạm pháp luật và là tấm gương cho toàn bộ ngành an toàn thực phẩm.

Hiệp hội cũng cho xây dựng website riêng (vaff.org.vn) từ rất sớm nhằm phổ cập các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về TPCN. Trong đó, Hiệp hội đã xây dựng 35 bài giảng về công dụng, hiệu quả của TPCN, đưa lên website để các doanh nghiệp tham khảo và sử dụng như tài liệu hướng dẫn về nhận thức, về kỹ thuật, đặc biệt về tính khoa học của sản phẩm, các cơ chế tác dụng, các thành phần trong sản phẩm… Đây được xem như “mẫu mực” cho các doanh nghiệp, tránh tình quảng cáo và công bố sản phẩm không đúng với sự thật.

Đầu tư về kiến thức cũng được Hiệp hội rất chú ý. Trong thời gian qua, Hiệp hội đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, đây đều là những sách cơ bản, đa dạng các lĩnh vực của TPCN như công tác truyền thông, phân tích nguy cơ, truy cứu nguồn gốc xuất xứ, công bố TPCN, ngộ độc thực phẩm… Trong đó, cuốn sách “Thực phẩm chức năng” đã được tái bản lần thứ 4 và đoạt Giải B – Giải thưởng Sách Quốc gia 2020. Nhiều sách trở thành tài liệu tham khảo cho các trường đại học, các viện nghiên cứu trên khắp đất nước.

Hiệp hội tích cực tăng cường các hoạt động liên kết tạo điều kiện cho các hoạt động được phổ rộng. Đến nay, Hiệp hội đã liên kết với 14 đơn vị, trong đó có 5 đơn vị nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Ấn Độ). Đối với các đơn vị trong nước, đặc biệt với với Cục An toàn thực phẩm để hai bên tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, ngoài ra phối hợp với Cục Y tế (Bộ Công an), Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng như nhiều hiệp hội khác.

Có thể nói, sau 20 năm phát triển, ngành TPCN đã trở thành một ngành kinh tế y tế mũi nhọn. Đây cũng là chỉ đạo của Nguyên Phó Thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân khi về thăm Hiệp hội năm 2012. Là một ngành y tế bởi TPCN góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Và là một ngành kinh tế bởi cũng xem đây là các doanh nghiệp TPCN, đảm nhiệm vai trò sản xuất nên đóng góp cho xã hội rất nhiều kinh phí như thuế, bảo hiểm xã hội…

Thực tế đã minh chứng cho những bước tiến phổ cập ngày càng rộng rãi của ngành TPCN cùng các chỉ đạo của Hiệp hội TPCN. Trên phương diện số lượng, từ 13 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN với 63 sản phẩm (năm 2000), hiện nay đã có 3.200 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN với hơn 12.000 sản phẩm. Trên phương diện nhận thức, đến năm 2012, điều tra những người >18 tuổi cho thấy đã có 92% biết về TPCN, gần 80% hiểu đúng về TPCN. Nếu những năm đầu, người sử dụng TPCN chỉ khoảng 1-2% dân số thì hiện nay đã có 47% dân số >18 tuổi sử dụng TPCN. TPCN đã được đề cập ở hầu khắp 63 tỉnh thành, ở hầu hết các hiệu thuốc, bệnh viện (dù công hay tư). Đây là sự phát triển phù hợp với quy luật của ngành TPCN và không gì có thể cản được.

Đối với người tiêu dùng, Hiệp hội cũng thường xuyên tư vấn, hướng dẫn cho người tiêu dùng về tác dụng, cách dùng TPCN. Thông qua việc hướng dẫn, đào tạo nhân sự cho các tổng đài tư vấn của các nhãn hàng, mỗi ngày đã tư vấn được cho hàng nghìn người tiêu dùng đã và đang có nhu cầu tìm hiểu/sử dụng thực phẩm chức năng. Trước đó, Hiệp hội đã xây dựng quy trình hướng dẫn sử dụng TPCN 5 bước gồm: Đánh giá tình trạng sức khỏe - Xác định mục tiêu sử dụng - Lựa chọn sản phẩm phù hợp - Sử dụng theo hướng dẫn - Đánh giá hiệu quả. Cho tới nay, quy trình tư vấn 5 bước này vẫn phù hợp và đem lại hiệu quả cho người tiêu dùng, đánh giá được chính xác hiệu quả sản phẩm trên thực tế sử dụng. Phản hồi từ người tiêu dùng cũng giúp ích cho các nhà sản xuất/nhà phân phối TPCN trong sản xuất và kinh doanh.

Empty

Thưa ông, như ông vừa nói, người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của ngành. Sau 3 năm đại dịch COVID-19, nhận thức của người tiêu dùng và xã hội về TPCN có nhiều thay đổi. Theo ông, Hiệp hội và các doanh nghiệp cần làm gì để bắt kịp với sự thay đổi về nhận thức này của người tiêu dùng và xã hội?

Đây là một thực tế. Sau 3 năm đại dịch, nhu cầu tìm hiểu và sử dụng TPCN ngày càng tăng, sự hiểu biết về TPCN của người tiêu dùng cũng đã được nâng cao. Điều này yêu cầu Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp kinh doanh TPCN cần tiếp tục thích ứng với tình hình để đẩy mạnh nhận thức cho người tiêu dùng.

Theo tôi, trước tiên để nâng cao nhận thức, tạo được niềm tin ở người tiêu dùng là các doanh nghiệp phải sản xuất được các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả. Việc công bố, quảng cáo sản phẩm phải chuẩn hóa, tránh quảng cáo sai hoặc gian lận trong sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào công tác truyền thông, như tổ chức các buổi hội thảo để khách hàng Hiểu đúng, Làm đúng, Dùng đúng TPCN; Mở rộng quảng cáo trên truyền hình thông qua sự giúp đỡ của Hiệp hội để người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm.

Đối với Hiệp hội, phải đẩy mạnh công tác truyền thông trên tất cả các kênh như báo chí, truyền hình, xuất bản sách, cử chuyên gia đến các hội thảo ra mắt sản phẩm của các doanh nghiệp, đặc biệt tạp chí Sức khỏe+ là công cụ quan trọng nhất để truyền bá 3 Đúng của TPCN, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với Cục An toàn thực phẩm có chính sách khen thưởng với các doanh nghiệp thực hành sản xuất tốt, có biện pháp xử lý và răn đe nếu doanh nghiệp kém và vi phạm để người tiêu dùng có thể tin tưởng vào các sản phẩm TPCN được đưa ra thị trường.

Đây cũng là lý do mà Hiệp hội trao Giải thưởng Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng?

Có thể nói như vậy. Hiệp hội đã được Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Khoa học & Công nghệ cấp “Giấy xác nhận đăng ký hoạt động xét thưởng tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm hàng hóa” số 319/TDC - HCHĐ ngày 6/6/2013; “Giấy xác nhận đăng ký hoạt động xét thưởng tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm hàng hóa” số 2369/TDC-HCHQ ngày 14/10/2016 và được cấp lại “Giấy xác nhận đăng ký hoạt động xét thưởng tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm hàng hóa” số 4010/TDC-HCHQ ngày 11/12/2019 theo Thông tư số 06/2009/TT-BKHCN ngày 3/4/2009 của Bộ  Khoa học & Công nghệ.

Sản phẩm được đánh giá xét duyệt theo 13 tiêu chí: Sản phẩm đảm bảo an toàn, hiệu quả, có chất lượng cao: Đảm bảo và tuân thủ các quy định của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đảm bảo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; Đảm bảo các quy định của pháp luật về lưu hành; Bao bì và nhãn sản phẩm đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, có tính mỹ thuật cao, được người tiêu dùng ưa thích; Đủ điều kiện Vệ sinh an toàn thực phẩm (có giấy chứng nhận); Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng  tiên tiến (HACCP, GMP, ISO 22000...); Có hiệu quả kinh tế; Tăng trưởng theo thời gian (tính trong 3 năm gần nhất); Có sức cạnh tranh cao, có tiềm năng xuất khẩu; Cải thiện được sức khỏe cho cộng đồng (số lượng người tiêu dùng sản phẩm thường xuyên, số lượng người cải thiện sức khỏe, bệnh tật); Đóng góp nhiều cho xã hội, giá cả hợp lý (tài trợ công đức, ủng hộ xóa đói giảm nghèo, hoạt động từ thiện, giá sản phẩm); Nộp thuế đầy đủ theo quy định.

Empty

Cho tới nay, Hiệp hội đã có gần 10 năm tổ chức trao giải Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng, trong đó trao 1498 Huy chương vàng và 82 Cúp vàng vì sức khỏe cộng đồng.

Giải thưởng Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng tôn vinh các sản phẩm TPCN có chất lượng cao, an toàn và hiệu quả phục vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; Biểu dương khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật, thúc đẩy nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Đồng thời nâng cao uy tín, niềm tin chất lượng sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường nội địa và quốc tế, gia tăng sự tiêu dùng sản phẩm của người tiêu dùng.

Thưa ông, thực tế thì ngành TPCN cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Về phương diện này, quan điểm của Hiệp hội là như thế nào?

Đúng vậy. Đẩy mạnh nghiên cứu cũng là lĩnh vực mà Hiệp hội chú trọng. Như tôi đã nói ở trên, Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) và Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm là những đơn vị đầu tiên được Hiệp hội thành lập và đầu tư hoạt động, phát triển. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát huy tài năng sáng tạo khoa học, đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, triển khai thực hiện các dịch vụ khoa học kỹ thuật chuyên ngành. Cho tới nay, Viện đã triển khai và hoàn thành giai đoạn 1 dự án xây dựng Viện tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đã đưa vào sử dụng, với 3 trung tâm, 1 xưởng thực nghiệm.

Trung tâm Kiểm nghiệm có năng lực thực hiện đa dạng các phép thử cho nhiều loại dược liệu và hoạt chất, cụ thể: Kiểm nghiệm được khoảng 250 loại dược liệu, 200 hoạt chất đánh dấu trong dược liệu, 350 loại hoạt chất, xây dựng được phép thử về chỉ tiêu an toàn kim loại nặng, vi sinh... Mỗi năm, trung tâm thử nghiệm được khoảng 4.000 mẫu. Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên thực hiện đào tạo kỹ thuật kiểm nghiệm cho các đơn vị trong cả nước có nhu cầu.

Trung tâm Nghiên cứu bào chế áp dụng các công nghệ bào chế tiên tiến trong nghiên cứu bào chế các sản phẩm thực phẩm chức năng, Ví dụ: Công nghệ bao bảo vệ, công nghệ sấy tạo hạt tầng sôi, công nghệ tạo vi hạt Pelletizing bằng máy sấy tầng sôi, công nghệ chiết xuất dược liệu bằng dung môi. Trung tâm đã và đang đưa ra thị trường đa dạng các dạng bào chế thực phẩm chức năng có nguồn gốc nguyên liệu từ thiên nhiên cũng như nguyên liệu công nghệ sinh học cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm.

Trung tâm Công nghệ sinh học đã và đang tiến hành nghiên cứu nhiều quy trình công nghệ sinh học, bao gồm: Probiotics chi không sinh bào tử: Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus rhamnosus, Lactobacillus paracasei, Lactobacillus fermentum, Lactobacillus reuteri, Bifidobacterium lactic, Enterococcus faecium, Streptococcus thermophilus; Probiotics chi sinh bào tử: Bacillus subtilis, Bacillus clausii, Bacillus coagulans, Bacillus licheniformis; Nguyên liệu tăng cường miễn dịch là vách vi khuẩn chứa peptidoglycan: DeltaImmune, Immune Gamma, Immune Path-IP, Immunemono; Nguyên liệu tăng cường miễn dịch là vách nấm men chứa beta glucan: Immunecanmix, Immunhightech, Immunevets; Nguyên liệu enzyme Nattokinase bao kháng dịch vị.

Trung tâm đã mở rộng nghiên cứu theo hướng tối ưu hóa quy trình sản xuất giúp  tăng hiệu suất sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng, tạo ra sản phẩm có chất lượng ổn định khi lưu hành trên thị trường.

Xưởng Thực nghiệm Công nghệ sinh học được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Xưởng Thực nghiệm đã triển khai tiếp kết quả của quá trình nghiên cứu thành công từ Trung tâm Công nghệ sinh học, và đã sản xuất được 30 nguyên liệu, các nguyên liệu đều được đăng ký công  bố theo quy định. Khối lượng sản xuất các nguyên liệu sinh học: Năm 2016 khoảng 500 kg/tháng, đến năm 2021 khoảng 1.000 kg/tháng.

Empty

Cũng phải nhấn mạnh vai trò của Công ty TNHH MTV Chứng nhận Asiacert - được coi là một bước giảm tải cho cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ tư vấn, đào tạo và chứng nhận Thực hành sản xuất tốt TPCN cũng như đánh giá hiệu quả lâm sàng sản phẩm TPCN cho doanh nghiệp. Công ty Asiacert được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm xét hồ sơ và cấp giấy phép lĩnh vực hoạt động đánh giá, chứng nhận GMP thực phẩm chức năng, mã số 975/TĐC-HCHQ; Được Văn phòng Công nhận chất lượng - BOA (Bộ Khoa học & Công nghệ) đánh giá và cấp chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17021:2015, mã số VICAS 048-GMP. Viện Thực phẩm chức năng thành lập Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (GS.TS. Trịnh Quân Huấn - Chủ tịch Hội đồng), xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng, Quy định đánh giá hiệu quả của sản phẩm thực phẩm chức năng. Hội đồng được Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo thẩm xét hồ sơ và cấp mã số: IRB-VN02009. Từ năm 2015 đến năm 2018, công ty đánh giá GMP thực phẩm chức năng cho 5 nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng trên cả nước (hiện nay, đánh giá chứng nhận GMP thực phẩm bảo vệ: Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế thực hiện); đã thực hiện đào tạo được 6 khóa GMP cho các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu; Công ty đã phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, triển khai nghiên cứu đánh giá hiệu quả 16 sản phẩm thực phẩm chức năng cho 8 doanh nghiệp trong cả nước (trong đó có 13 đề tài đã nghiệm thu, 3 đề tài đang tiến hành nghiên cứu tại các bệnh viện).

Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ định hướng phát triển như thế nào? Sẽ có những hoạt động gì để thúc đẩy Hiệp hội nói riêng cũng như ngành TPCN nói chung?

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hiệp hội cần hướng tới những điểm sau:

Tiếp tục kiện toàn bộ máy của Hiệp hội, bao gồm kiện toàn ban chấp hành, hoạt động của các ban và các cơ quan trực thuộc Hiệp hội.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục, xem đây là nhiệm vụ trung tâm và là sức mạnh của Hiệp hội. Hiệp hội là nơi hội tụ của nhiều cán bộ là các chuyên gia đầu ngành về TPCN, nhiều người từng giảng dạy ở các trường đại học, đây là điều kiện để phát huy thế mạnh về truyền thông. Tăng cường đầu tư cho tạp chí để trở thành tiếng nói và là lời công bố của Hiệp hội.

Như tôi đã nói, Hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết, phối hợp hoạt động với các ngành, đặc biệt là với Cục An toàn thực phẩm để tạo ra sức mạnh tập thể trong xây dựng các văn bản về quản lý TPCN, luật an toàn thực phẩm. Hiện Hiệp hội đang thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trên cơ sở phân tích nguy cơ và kiểm soát các điểm trọng yếu, phù hợp với Nghị quyết của Đảng và cập nhật với xu hướng phát triển của thế giới. Việc tăng cường công tác thanh - kiểm tra cũng cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Không chỉ ký kết hợp tác hoạt động với các cơ quan trong nước, Hiệp hội sẽ tăng cường cập nhật với thế giới thông qua liên kết với nước ngoài. Hiện Hiệp hội đang là thành viên của Hiệp hội TPCN Đông Nam Á và Hiệp hội TPCN Quốc tế. Trong thời gian tới, Hiệp hội cần tăng cường liên kết, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với các nước phát triển đi đầu về TPCN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Úc…

Cảm ơn những chia sẻ của ông. Chúc cho Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam sẽ vẫn luôn là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp sản xuất/kinh doanh TPCN.

Empty
SUCKHOE+ VAFF-11
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin