Phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Tuy gọi là “viêm mũi” nhưng nhiều người có kèm theo các vấn đề của mắt, họng, tai. Thường ảnh hưởng đến giấc ngủ.

- Mũi: nhiều cơn hắt hơi trong suốt thời gian dị ứng, chảy nước mũi, nghẹt mũi (do chảy nước mũi, phù nề và sung huyết niêm mạc), ngứa mũi, chảy dịch sau mũi, mất mùi vị.

- Đau ở vùng mũi, vùng các xoang mặt và kèm theo rối loạn vận mạch vùng mặt.

- Mắt: ngứa, đỏ mắt, cảm giác như có sạn ở mắt, phù, thâm quầng mắt.

- Họng và tai: đau họng, khàn tiếng, sung huyết hay tiếng lộp bộp ở tai, ngứa họng, ngứa tai.

- Ngủ: thở mồm, hay thức giấc, mệt mỏi ban ngày, giảm khả năng lao động chân tay và trí óc.



Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

- Viêm mũi dị ứng thường có liên quan đến yếu tố di truyền.

- Viêm mũi dị ứng gây ra bởi phản ứng của mũi với các hạt nhỏ li ti trong không khí gọi là dị ứng nguyên (các chất gây ra phản ứng dị ứng). Ở một số người, các hạt này cũng gây ra các phản ứng ở phổi (hen) và mắt (viêm kết mạc dị ứng). Các dị ứng nguyên có thể là: phấn hoa (gây bệnh theo mùa hoa); sâu bọ (ve, bét, gián); nguồn từ động vật nuôi như mèo, chó (tế bào da chết, tuyến da, nước bọt, lông)…; các bào tử nấm mốc, meo.

- Nhiễm trùng: cơ thể dị ứng với các độc tố của vi khuẩn.

- Môi trường, khí hậu: thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường ô nhiễm…

- Bất thường về giải phẫu (như vẹo vách ngăn mũi), viêm tai hay viêm xoang, đa polyp mũi… dễ kích thích làm bệnh phát sinh.

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc luôn tái diễn quanh năm. Viêm mũi dị ứng quanh năm có xu hướng khó trị hơn.

Điều trị

- Cải thiện môi trường, tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với nguyên nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện vì nguyên nhân gây dị ứng thường không rõ ràng.

- Lựa chọn thuốc phù hợp.

- Phẫu thuật: chỉnh hình vách ngăn, phẫu thuật nội soi mũi xoang…

- Miễn dịch liệu pháp: bao gồm giảm phơi nhiễm kết hợp với dùng thuốc (nước biển xịt hoặc xông bụi, các glucocorticoides đường mũi, các antihistamines uống và các thuốc chống sung huyết.

Lưu ý: một vài thuốc kháng viêm có thể gây ra các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.

Phòng ngừa

- Hạn chế các yếu tố nguy cơ: tiếp xúc các dị ứng nguyên, môi trường ô nhiễm...

- Tránh stress, tránh các chất kích thích và giảm sử dụng thuốc aspirin.

- Cẩn thận khi thời tiết thay đổi, điều tiết độ ẩm và độ ấm để phòng ngừa viêm đường hô hấp.

- Giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi, tránh hít khói thuốc lá.

- Thường xuyên rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn