Trước tình hình giá sữa tại thị trường Việt Nam tăng liên tục những tháng đầu năm, đầu tháng Ba, Bộ Tài chính đã thành lập đoàn thanh tra giá sữa và theo dự kiến sau khi thanh, kiểm tra, nếu phát hiện có doanh nghiệp (DN) nào vi phạm về Luật Cạnh tranh và quy định về giá sẽ xử lý theo pháp luật (trước giờ chưa hề xử phạt). Ngoài phạt hành chính, Bộ Tài chính có thể tính tới biện pháp áp giá trần đối với mặt hàng này. Thế nhưng, đã một tháng trôi qua, kết quả thanh, kiểm tra vẫn chưa được công bố.
Xem ra, việc quản lý giá sữa, dù thế nào - ngay cả áp giá trần, cũng khó hiệu quả - nếu việc thanh tra và kiểm soát giá sữa vẫn “ùn ứ” và có phần mang tính hành chính như hiện nay. Vẫn biết, quản lý giá sữa thuộc Bộ Tài chính, DN muốn tăng hay giảm giá đều phải qua “cửa” cơ quan quản lý giá, nhưng trong suốt thời gian qua, việc quản lý giá chỉ mang hình thức, chỉ kiểm tra đăng ký giá trên giấy tờ, chưa hề kiểm tra thực tế. Mặt khác, việc kiểm soát hiện chỉ đóng vai trò công cụ hợp thức hóa việc tăng giá của DN khi có sự “la làng” của người tiêu dùng hay phản ảnh của các cơ quan truyền thông. Đặc biệt, khi “có chuyện” thì lại không có chế tài đủ mạnh để DN “sợ”.
Đó là chưa kể, việc phân cấp quản lý còn nhiều bất hợp lý. Theo Nghị định 177/2013 NĐ-CP, Cục Quản lý giá chỉ quản lý giá sỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi của các DN lớn như Vinamilk, FrieslandCampina, Nestlé, Abbott... các DN khác thuộc quyền quản lý của Sở Tài chính địa phương, dù chính những thương hiệu lớn mới chiếm lĩnh và gây áp lực giá cho thị trường. Mặt khác, giá bán lẻ mặt hàng này tại các cửa hàng, đại lý lại được phân cấp quản lý cho các quận - huyện nơi các cửa hàng, đại lý đăng ký kinh doanh. Thử hỏi, với hàng trăm chủng loại của hơn 50 công ty với hàng trăm kênh phân phối cùng nhiều tầng nấc trung gian thì việc kiểm soát có thực thi được? Bao nhiêu lực lượng mới kiểm tra xuể?
Bình luận của bạn