Sát rằm, bánh trung thu tung nhiều chiêu 'bẩn' lừa khách

Bánh giá rẻ "đội lốt" bánh gia truyền

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại bánh Trung thu giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu cho bộ phận những người lao động thu nhập thấp. Tại các quầy bánh Trung thu hoặc các đại lý, cửa hàng tạp hóa, không khó để mua được những chiếc bánh giá "mềm" ấy. Loại bánh này thường có bao bì rất đơn giản (bọc bằng túi nilon), không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không túi hút ẩm, không hạn sử dụng. Với các loại bánh "rởm" này, người tiêu dùng còn có thể cảnh giác song thực tế hiện nay nhiều tiểu thương đã sử dụng các chiêu trò "quái" hơn nhằm móc túi người tiêu dùng một cách tinh ranh nhất.


Nhiều loại bánh giá rẻ "đội lốt" gia truyền để tăng giá.

Đó là vẫn sử dụng những chiếc bánh giá rẻ trên nhưng đựng chúng trong những chiếc hộp có màu sắc và hình ảnh đẹp mắt, đồng thời giới thiệu chúng là bánh gia truyền, được làm theo phương pháp thủ công và cơ sở sản xuất chưa "kịp"… đăng ký thương hiệu nên chỉ bán theo kiểu truyền tai nhau để mua về ăn và làm quà biếu. Với cách thức này, giá của những chiếc bánh giá rẻ được đẩy lên cao gấp nhiều lần. Nếu không cảnh giác, người tiêu dùng sẽ rất dễ bị lừa, bỏ số tiền lớn ra mua bánh nhưng kết quả là "tiền mất tật mang".

Bánh giả thương hiệu nổi tiếng

Bánh Trung thu có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu nhỏ lẻ thường làm giả các thương hiệu này hoặc "mượn" tên thương hiệu, đưa ra những nhãn hiệu bánh có tên gần giống các thương hiệu nổi tiếng (chỉ khác ở chữ đầu hoặc chữ cuối). Với sự giúp đỡ của các đại lý (nhập bánh "rởm" với giá rẻ bán trà trộn với sản phẩm thật), người tiêu dùng hoàn toàn bị lừa gạt. Bên cạnh sự khó chịu của khách hàng, các thương hiệu nổi tiếng cũng điêu đứng bởi bánh giả đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của họ.

Nhập nhèm ngày sản xuất, hạn sử dụng

Ngày sản xuất, hạn sử dụng là thông số quan trọng để người tiêu dùng chọn mua được những loại bánh phù hợp với nhu cầu sử dụng và tin rằng chúng đảm bảo sức khỏe, không bị ôi thiu, nấm mốc. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất muốn bánh của mình bán ra thị trường với giá thành cạnh tranh nên mua các loại nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, tái sử dụng lại những loại bánh đã hết hạn.


Với việc ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng mập mờ, khách dễ mua phải bánh ôi thiu, nấm mốc.

Để không bị phát hiện, họ thường dùng "mẹo" chung là ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng rất mập mờ. Có cơ sở ghi hạn sử dụng trên nhãn mác là 20 ngày (với bánh dẻo) và 45 ngày (với bánh nướng), cách ghi không cụ thể này sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc đối chiếu xem sản phẩm còn hạn sử dụng hay không. Một số cơ sở thì lại không ghi ngày sản xuất mà chỉ ghi hạn sử dụng nên người tiêu dùng nếu không kiểm tra kỹ sẽ dễ mua phải bánh đã bị ôi thiu, nấm mốc.

Quảng cáo sai sự thật

Thành phần, nguyên liệu dùng để làm bánh là một yếu tố quan trọng định giá sản phẩm cao hay thấp. Tuy nhiên, việc thành phần của bánh là gì, có đúng như trong quảng cáo hay không thì người tiêu dùng lại khó có thể kiểm định được. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở sản xuất đã tiến hành quảng cáo sai sự thật nhằm hút người mua và đội giá bánh lên cao.

Một số sản phẩm bánh nướng và bánh dẻo "cao cấp" trên nhãn có ghi thành phần bao gồm vây cá, yến sào, bào ngư…. Đây đều là những loại nguyên liệu quý vì thế giá bán của những loại bánh này có thể lên tới hàng triệu đồng. Tuy nhiên không phải "đắt nào cũng xắt ra miếng", nhiều cơ sở đã quảng cáo láo rằng sản phẩm của mình chế biến từ những nguyên liệu trên song khi các cơ quan quản lý tới kiểm tra thì lại không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của nguyên liệu. Và như thế, người tiêu dùng đã bị cho "vào tròng", họ tưởng rằng mình bỏ nhiều tiền mua được các loại bánh xịn để biếu tặng trong khi thực tế là đang bị "móc túi" một cách rất "ngọt".

Khuyến mãi "ảo"

Để kích cầu, nhiều cửa hàng, đại lý bán bánh Trung thu trưng biển "Mua 1 tặng 1" hay "Giảm giá 50%". Tuy nhiên, theo đại diện của các thương hiệu bánh Trung thu có tiếng thì không thể có chuyện các nhãn hàng nhiều lợi nhuận tới mức mua một tặng một. Những trường hợp mua một tặng một, thông thường chỉ để thu hút khách vào cửa hàng. Sau đó nhân viên bán hàng sẽ giải thích là tặng các sản phẩm khác, loại bánh khác, không phải loại bánh chính hãng mà họ đã trưng bày ở bên ngoài. Đây chỉ là thủ thuật của điểm bán để câu kéo người mua. Do vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác trước khi tạt vào các đại lý này ôm theo giấc mơ mua bánh "đại hạ giá".


Người tiêu dùng cũng không nên "lóa mắt" bởi những tấm biển khuyến mãi, đại hạ giá.

Với hàng loạt các chiêu trò trên, người tiêu dùng buộc phải tìm mọi cách trở nên thông thái hơn nhằm tránh các mánh lừa. Theo đó, cách tốt nhất là không mua hàng trôi nổi, ham giá rẻ rồi "tiền mất tật mang", nên chọn mua sản phẩm của những công ty đã đăng ký chất lượng và có thương hiệu đã được khẳng định. Trên bao bì, hình ảnh, logo của nhà sản xuất phải sắc nét và đầy đủ những thông tin như tên bánh, cơ sở sản xuất, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Khi mua bánh người tiêu dùng nên chọn loại có bao bì nguyên vẹn, hàn kín, không bị thủng, xì hơi, bánh không dấu hiệu bị mốc hay giập vỡ, không có mùi lạ.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin