Sau gần 2 thế kỷ, lần đầu tiên "Quả Tim Lửa" hạ sơn!


Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện giới thiệu các cổ vật được trưng bày tại triển lãm "Tinh hoa cổ vật Phật giáo" (Ảnh: HC)

Lần đầu tiên tổ chức

Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, trong 1 tháng kể từ ngày 16/8, tại bảo tàng này diễn ra cuộc triển lãm "Tinh hoa cổ vật Phật giáo". Triển lãm sẽ giới thiệu hơn 80 cổ vật là các tuyệt tác được chọn lọc trong hàng nghìn cổ vật đang lưu giữ tại nhiều bộ sưu tập ở các chùa và các nhà sưu tập tư nhân nổi tiếng trên địa bàn.

Đây cũng là lần đầu tiên cổ vật đặc trưng, có giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo hiện lưu giữ tại Đà Nẵng được đưa ra giới thiệu rộng rãi với công chúng trong một cuộc triển lãm chính thức nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trên địa bàn TP. Các cổ vật đưa ra trưng bày lần này có giá trị lịch sử, khoa học và tính thẩm mỹ rất cao, gồm: tranh vẽ, tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí… có niên đại từ thế kỷ VII đến đầu thế kỷ XX.


Tượng "Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn" bằng chất liệu gỗ của Việt Nam có niên đại từ thế kỷ 16 - 17 được đưa đến từ chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn)

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ông Hà Phước Mai, di sản văn hoá Phật giáo chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hoá độc đáo của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, trong đợt đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhân "bảo vật quốc gia" vào tháng 10/2012, trong số 30 bảo vật quốc gia được công nhận đã có 6 bảo vật thuộc di sản văn hoá Phật giáo.

Cuộc triển lãm "Tinh hoa cổ vật Phật giáo", theo ông Hà Phước Mai, nhận được sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của Ban trị sự Thành Hội Phật giáo Đà Nẵng, các vị trụ trì các chùa trên địa bàn TP và đặc biệt là các nhà sư đam mê sưu tầm cổ vật. Từ đó, Bảo tàng Đà Nẵng đã chọn lựa được nhiều hiện vật độc đáo, có giá trị nhiều mặt về văn hoá, lịch sử để đưa về trưng bày trong cuộc triển lãm này.


Tượng "Đức Thích Ca nhập niết bàn" bằng chất liệu gỗ có niên đại từ thế kỷ VIIIcủa Thượng toạ Thích Huệ Vinh (chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn)

Nhiều cổ vật Phật giáo độc đáo và hết sức quý hiếm

Tại chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn), bộ sưu tập của Thượng toạ Thích Huệ Vinh đóng góp 13 hiện vật, trong đó có nhiều cổ vật độc đáo như tượng "Phật Quán Thế Âm" chất liệu đồng có niên đại từ thế kỷ 7 - 8; tượng "Đức Thích Ca nhập niết bàn" hay tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo ở pho tượng "Quan Âm nghìn mắt nghìn tay". Chùa Linh Ứng giới thiệu bộ tượng "Thập Bát la Hán" bằng chất liệu đá Non Nước xưa với tay nghề điêu luyện của nghệ nhân làng đá Ngũ Hành Sơn.

"Phong phú nhất là bộ sưu tập của Thượng toạ Thích Từ Nghiêm (chùa Phổ Đà). Ngoài nhiệm vụ Phật sự, thầy đã bỏ nhiều công sức sưu tầm cổ vật, góp phần giữ gìn, tôn vinh di sản văn hoá của đất nước. Đáng trân trọng hơn nữa là thầy cũng đã phát tâm tặng nhiều cổ vật quý cho Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là lần thứ hai thầy tham gia triển lãm cổ vật ở bảo tàng chúng tôi với 14 cổ vật, hầu hết là tượng Phật, Bồ Tát điêu khắc gỗ có niên đại rất sớm và rất quý hiếm!" - ông Hà Phước Mai cho hay.


Bộ sưu tập của Thượng toạ Thích Từ Nghiêm và chùa Phổ Đà

Bên cạnh đó, chùa An Long (hay còn gọi là chùa Long Thủ, nơi có bia đá được công nhân Di sản Văn hoá quốc gia, dựng ngày 1/4 năm Thịnh Đức thứ 5, đời vua Lê Thần Tông (1657), mang ý nghĩa là chứng cứ quan trọng đối với lịch sử Đà Nẵng và là một trong những bia đá cổ nhất còn lại ở Đà Nẵng hiện nay) đưa đến cuộc triển lãm "Tinh hoa cổ vật Phật giáo" một chiếc chuông đồng lớn, có niên đại từ thế kỷ 18, trên đó chạm khắc nhiều hoạ tiết, minh văn rất có giá trị.

Và ông Hà Phước Mai hào hứng cho biết: "Độc đáo hơn nữa là một hiện vật từ Tam Thai Quốc Tự ở danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đó là "Quả Tim Lửa" bằng đồng, quý hiếm, linh thiêng mà cách đây 178 năm, vua Minh Mạng ban cho sau khi chùa được xây dựng lại. Trên đó có thủ bút minh văn của vị vua được cho là anh minh nhất triều Nguyễn. Khi tiễn chúng tôi cung thỉnh hiện vật về bảo tàng, Thượng toạ Thích Huệ Mãn trụ trì chùa Tam Thai nói vui: "Sau gần 2 thế kỷ, đây là lần đầu tiên "Quả Tim Lửa" hạ sơn!".


Chiếc chuông đồngcó niên đại từ thế kỷ 18, trên đó chạm khắc nhiều hoạ tiết, minh văn rất có giá trị được đưa đến từ chùa An Long

Chuyện về "Quả Tim Lửa"

Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, "Quả Tim Lửa" là một phiến đồng hình chiếc lá bồ đề, chiều rộng nhất 45cm, chiều hẹp nhất 35cm, chung quanh có hình tượng tia lửa đang cháy nên được gọi là "quả tim lửa", hiện đặt ở Nhà Tổ phía sau chánh điện chùa Tam Thai, nơi thờ cúng chư vị trụ trì của nhà chùa đã viên tịch.

Tương truyền, trong một lần thất trận, chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) chạy ra biển gặp một hòn đảo, nguyện được nước ngọt thì sẽ tạ ơn Trời Phật. Nước ngọt tuôn ra, thoát chết, mọi người tìm vào đất liền thì gặp giữa cảnh núi non u tịch một thiền sư đang thuyết giảng trong động. Chúa phát nguyện, nếu thắng Tây Sơn sẽ về lập cảnh chùa. Về sau, khi phục quốc xong, vua Gia Long mải lo việc triều chính nên di ngôn cho vua Minh Mạng lo hoàn thành đại nguyện.


Tam Thai Quốc Tự ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn

Năm Minh Mạng thứ sáu (1825), vua cho xây dựng lại chùa Tam Thai, cho quan dân đưa vật liệu lên xây chùa, biến cảnh hoang vu thành nơi phát triển đạo Phật. Chuyện này, dân gian còn nhắc: "Gia Long phát nguyện, Minh Mạng lập chùa". Khi hoàn nguyện, khánh thành chùa, vua Minh Mạng ban một tấm biển ghi (phiên âm theo nguyên văn Hán tự): "Ngự chế Tam Thai tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo". (Tạm dịch: Ngự chế chùa Tam Thai, lập năm Minh Mạng thứ sáu).

Kèm theo đó là "quả tim lửa" bằng đồng. Mặt trước ghi: "Ngã Như Lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên biến hiện thập phương hư không thường trú, tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên". (tạm dịch: Đức Như Lai của ta đã cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, rộng lòng tế độ cho trời người, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam ta chịu ân huệ sâu dày này). Mặt sau ghi: "Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo" (tạm dịch: Làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu).


"Quả Tim Lửa" do vua Minh Mạng ban cho chùa Tam Thai lần đầu tiên hạ sơn tham gia cuộc triển lãm "Tinh hoa cổ vật Phật giáo"

Thừa khả năng xây dựng được cả một Bảo tàng Phật giáo?

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện còn cho biết, ngoài các cổ vật từ các chùa trên địa bàn TP thì từ Tổ Đình Phước Lâm - ngôi chùa cổ xưa nhất của Di sản Văn hoá thế giới đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), Thượng toạ Thích Hạnh Hoa cũng hoan hỉ đóng góp cho cuộc triển lãm "Tinh hoa cổ vật Phật giáo" một tượng Phật bằng chất liệu đá được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ 7 - 8.

Cũng ở ngôi chùa cổ này, theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, còn lưu giữ hàng trăm bản khắc gỗ cổ để in kinh kệ, tranh thờ cúng mà trong thời đại điện tử, tin học ngày nay hầu như không còn tìm thấy. Hơn chục bản in khắc gỗ đó cũng được chọn trưng bày tại cuộc triển lãm này.


Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai, sưu tập di sản văn hoá Phật giáo ở Đà Nẵng thừa khả năng xây dựng được cả một Bảo tàng Phật giáo độc đáo và hấp dẫn!

Tuy vậy, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai vẫn cảm thấy tiếc: "Vì hạn hẹp về không gian trưng bày và thời gian chuẩn bị nên chúng tôi chỉ có thể đưa về triển lãm một phần nhỏ trong các bộ sưu tập đồ sộ ở các chùa trên địa bàn TP. Trong đợt điền dã khảo sát cùng với Bảo tàng Đà Nẵng, các chuyên gia hàng đầu về di sản văn hoá ở TƯ đánh giá rằng sưu tập di sản văn hoá Phật giáo ở Đà Nẵng thừa khả năng xây dựng được cả một Bảo tàng Phật giáo độc đáo và hấp dẫn để khách thập phương chiêm ngưỡng!".

Theo ông Hà Phước Mai, đó là việc lớn và cần thiết nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá, góp phần phát triển du lịch của TP Đà Nẵng. Trước mắt, Bảo tàng Đà nẵng sẽ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP, mời Hội đồng thẩm định cổ vật quốc gia xét chọn một số cổ vật Phật giáo trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia!

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức