SK+ Du lich van hoa-02
SK+ Du lich van hoa-03

Nói cách khác, du lịch văn hóa gắn kết chặt chẽ mục tiêu kinh tế với sứ mệnh bảo tồn di sản và phát huy bản sắc văn hóa. Đây là “lợi ích kép” mà loại hình du lịch này mang lại: vừa tạo thu nhập, việc làm cho cộng đồng; vừa tạo nguồn lực để gìn giữ, tôn tạo các giá trị di sản (nguồn doanh thu từ du lịch văn hóa được tái đầu tư bảo tồn di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống)… giúp văn hóa không bị mai một trong đời sống đương đại.

Việt Nam có hàng ngàn điểm đến mang đậm bản sắc văn hóa, mỗi nơi một sắc thái riêng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phép lựa chọn 3 địa phương tiêu biểu: Bắc Hà (Lào Cai), Huế, Đồng Tháp - đại diện cho 3 miền đất nước, nhằm phác họa bức tranh du lịch văn hóa từ những lát cắt đặc trưng, nơi di sản gắn bó chặt chẽ với đời sống cộng đồng và định hình nên sức hấp dẫn của điểm đến.

Empty
Empty

Bắc Hà (Lào Cai) là địa danh tiêu biểu cho du lịch văn hóa vùng cao gắn với cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bắc Hà được mệnh danh là “cao nguyên trắng” bởi mùa Xuân hoa mận nở trắng các sườn đồi, và cũng là nơi quần tụ của các dân tộc anh em (chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng….). Điều này tạo nên một kho tàng văn hóa phong phú, thu hút du khách.

Nổi bật nhất ở Bắc Hà là chợ phiên Bắc Hà - một trong những phiên chợ vùng cao lớn nhất và độc đáo nhất miền Bắc. Chợ chỉ họp mỗi Chủ Nhật hàng tuần, từ tờ mờ sáng, là nơi bà con từ khắp các bản làng tụ họp mua bán, trao đổi sản vật và giao lưu gặp gỡ. Không đơn thuần là khu chợ thương mại, chợ Bắc Hà còn là một không gian văn hóa đặc trưng, nơi đồng bào các dân tộc trong vùng hội tụ để gìn giữ và lan tỏa bản sắc của mình. Chợ được chia thành nhiều khu: khu bán nông sản (rau củ, thảo dược), khu bán gia súc, gia cầm (trâu, ngựa, gà, chó...), khu hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, và đặc biệt là khu ẩm thực bày bán các món ngon địa phương.

Du khách đến đây không khỏi thích thú với những tấm vải thổ cẩm tự dệt, bên cạnh là các quầy nhạc cụ dân tộc như khèn Mông, sáo, đàn môi. Góc chợ ăn uống lúc nào cũng đông đúc, với thắng cố bốc khói nghi ngút, những bát mèn mén (bột ngô hấp) vàng ươm, và cả rượu ngô Bản Phố màu trong vắt được rót mời khách phương xa. Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động về đời sống văn hóa vùng cao, khiến du khách cảm nhận sâu sắc sự mộc mạc và giàu bản sắc của đồng bào nơi đây.

Empty

Bên cạnh chợ phiên, Bắc Hà còn nổi tiếng với nhiều lễ hội và sinh hoạt văn hóa được phục dựng phục vụ du lịch. Lễ hội đua ngựa truyền thống trên cao nguyên Bắc Hà là sự kiện độc đáo “có một không hai” ở Việt Nam. Những chú ngựa thồ vốn ngày thường chở hàng trên nương rẫy, nay được các chàng trai người Mông, người Tày cầm cương tranh tài. Giải đua ngựa Bắc Hà được tổ chức thường niên và thu hút hàng vạn du khách. Năm 2025, vòng chung kết giải đua ngựa đã đón trên 20.000 lượt khán giả, trở thành ngày hội thực sự của vùng cao. Sự thành công của lễ hội này không chỉ quảng bá hình ảnh “cao nguyên trắng” Bắc Hà mà còn góp phần bảo tồn, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao đến với công chúng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Bắc Hà còn có Lễ hội hoa mận mỗi độ Xuân về và nhiều làng du lịch cộng đồng (như Bản Phố, Na Hối...) nơi du khách có thể ở homestay trong nhà sàn, cùng sinh hoạt và tìm hiểu phong tục địa phương. Thông qua các hoạt động du lịch văn hóa, người dân Bắc Hà dần ý thức hơn về việc giữ gìn trang phục truyền thống, ẩm thực và tiếng nói của dân tộc mình như một tài sản thu hút du khách. Đồng thời, thu nhập từ du lịch giúp cải thiện đời sống, giảm áp lực di cư khỏi bản làng. Bắc Hà đã và đang hướng tới mục tiêu trở thành “Khu du lịch đặc sắc” của tỉnh Lào Cai, phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn các giá trị văn hóa - thiên nhiên riêng có của vùng cao nguyên.

Empty

Cố đô Huế là ví dụ tiêu biểu về du lịch văn hóa gắn với phát triển bền vững. Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Huế vẫn gìn giữ được quần thể kiến trúc cung đình triều Nguyễn và nhiều di tích lịch sử có giá trị. Đến nay, Huế tự hào sở hữu 7 di sản được UNESCO vinh danh, bao gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế (công nhận năm 1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), mộc bản và châu bản triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc cung đình, cùng các di sản phi vật thể liên vùng như thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và nghệ thuật bài chòi. Bên cạnh gần 1.000 di tích lớn nhỏ đã được kiểm kê, Huế còn nổi tiếng với bản sắc văn hóa đậm đà thể hiện qua ẩm thực cung đình, nghệ thuật, trang phục truyền thống và phong tục lễ nghi tao nhã của vùng đất cố đô.

Empty

Không dừng lại ở bảo tồn, Huế đã chủ động biến di sản thành lợi thế phát triển, lấy văn hóa làm nền tảng cho ngành “công nghiệp không khói” của địa phương. Huế đã xây dựng thương hiệu “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, định kỳ tổ chức Festival Huế quy tụ các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Song song đó, Huế phát triển mạnh du lịch di sản, chú trọng quảng bá hệ thống di tích cố đô và các lễ hội văn hóa. Nhiều làng nghề truyền thống ở Huế cũng được “hồi sinh” nhờ du lịch: các sản phẩm thủ công như gốm Phước Tích, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, nón lá, pháp lam... trở thành điểm tham quan và quà lưu niệm đặc trưng đối với du khách.

Từ năm 2005, Huế còn tổ chức định kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, tạo sân chơi để các nghệ nhân phô diễn kỹ nghệ và kết nối với thị trường du lịch. Nhờ định hướng đúng đắn, di sản Huế không những được bảo tồn mà còn thực sự “sống”, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương và tạo việc làm bền vững cho người dân. Du lịch văn hóa đã giúp số lượng khách đến Huế ngày một tăng, thời gian lưu trú lâu hơn trước, đồng thời khẳng định Huế là một điểm đến hàng đầu về văn hóa - lịch sử.

Huế là minh chứng rõ ràng cho việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch có thể song hành. Di sản văn hóa càng được giữ gìn thì du lịch càng phát triển bền vững.

Empty

Khác với Huế, Đồng Tháp không có nhiều di tích quy mô tầm cỡ nhưng lại là hình mẫu về phát triển du lịch văn hóa dựa vào bản sắc miền sông nước và sinh hoạt cộng đồng.

Nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp được mệnh danh là “Đất sen hồng” nhờ những đầm sen bát ngát và văn hóa vùng sông nước miệt vườn. Tỉnh đã khéo léo khai thác thế mạnh này để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, gắn kết trải nghiệm của du khách với đời sống văn hóa bản địa. Những năm gần đây, Đồng Tháp đặc biệt chú trọng mô hình du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng, coi đó là động lực xây dựng nông thôn mới bền vững. Nhiều sản phẩm du lịch ra đời dựa trên lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh.

Chẳng hạn, tại xã Long Khánh có làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh đã được đưa vào tour du lịch, vừa giúp du khách trải nghiệm nghề truyền thống, vừa tăng thu nhập cho thợ dệt. Ở phường Cao Lãnh, mô hình du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông phát huy không gian văn hóa miệt vườn, cho phép du khách chèo xuồng trong đầm sen, câu cá và thưởng thức ẩm thực đồng quê.

Tại xã Tháp Mười, khu di tích Gò Tháp (vùng đất linh thiêng của văn hóa Óc Eo) nay gắn với tour “Một ngày làm nông dân trồng sen” để du khách tự tay thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ sen.

Đồng Tháp còn xây dựng làng du lịch cộng đồng ở xã Lai Vung - nơi nổi tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống, nhằm kết hợp bảo tồn làng nghề với phục vụ du lịch. Những chương trình như “Một ngày làm nghệ nhân” tại làng hoa Sa Đéc, hay tuyến tham quan “Hành trình về Đất sen hồng thăm miền di sản” đã tạo điểm nhấn khác biệt cho du lịch Đồng Tháp, thu hút đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa miệt vườn.

Empty

Song song với phát triển sản phẩm, Đồng Tháp không quên gìn giữ và quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể của mình. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, là niềm tự hào văn hóa của người dân Nam Bộ nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Hiện nay tại phường Cao Lãnh có hàng chục câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động sôi nổi, biểu diễn định kỳ phục vụ người dân và du khách vào mỗi cuối tuần. Loại hình nghệ thuật này đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của Đồng Tháp, góp phần làm phong phú trải nghiệm cho du khách và giữ lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tỉnh còn sở hữu nhiều công trình văn hóa - lịch sử giá trị như các đình chùa cổ (Kiến An Cung, chùa Bửu Lâm…), tạo điểm đến tham quan mang tính nhân văn.

Du khách đến Đồng Tháp còn thích thú bởi ẩm thực dân dã Nam Bộ với những món đặc sản trứ danh: nào cá lóc nướng cuốn lá sen non, canh chua cá linh bông điên điển, cho đến mắm kho, bông súng… Đặc biệt, tỉnh đã sưu tầm và giới thiệu hơn 200 món ăn được chế biến từ sen, biến loài hoa bình dị thành biểu tượng ẩm thực độc đáo của quê hương Đồng Tháp. Có thể nói, Đồng Tháp đã đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên nền tảng tài nguyên văn hóa bản địa, giúp du khách có những trải nghiệm chân thực về cuộc sống và con người miền Tây. Mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa ở Đồng Tháp vừa đa dạng hóa sinh kế cho người dân nông thôn, vừa góp phần giữ gìn phong tục tập quán và làng nghề truyền thống.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa