Ánh sáng là nguồn kích thích mạnh tác động đến cơ thể người. Đằng sau hiệu ứng đó là một nhóm tế bào thụ quan ánh sáng trong nhãn cầu. Các tế bào này tiết ra sắc tố nhạy cảm ánh sáng - melanopsin. Chúng hoạt động độc lập so với các tế bào que và tế bào nón nhạy cảm ánh sáng trong võng mạc, rất quan trọng đối với thị giác, giúp giải toả cho “đồng hồ sinh học”.
Các nhà khoa học ở Đại học Liege, Bỉ, đã chứng minh rằng, sắc tố melanopsin giúp não sảng khoái. Họ đã tiến hành thử nghiệm trí nhớ của 16 người trên máy quét cộng hưởng từ bằng cách chiếu ánh sáng xanh da trời và ánh sáng vàng da cam trong vòng 10 phút. Sau đó họ bị bịt mắt trong vòng 70 phút, rồi bật đèn ánh sáng xanh lá cây.
Nếu ban đầu được chiếu ánh sáng màu vàng da cam thì xuất hiện hoạt tính cao ở một số vùng não có liên quan đến sự sẵn sàng hoạt động và nhận thức bản thân. Sắc tố melanopsin hoạt động như một bộ chuyển mạch, gửi những tín hiệu khác nhau tới não tuỳ theo tình hình. Ánh sáng màu vàng da cam có bước sóng dài hơn, làm cho sắc tố nhạy cảm hơn với ánh sáng. Còn ánh sáng màu xanh da trời thì gây hiệu ứng ngược lại, trong khi ánh sáng màu xanh lá cây thì có tác dụng ở mức trung bình giữa màu vàng da cam và mầu xanh da trời.
Như vậy, về nguyên tắc, nếu dùng ánh sáng màu vàng da cam ở trường học thì có thể nâng cao thành tích học tập của học sinh sinh viên.
Vũ Ngọc Trâm (theo New Scientist)
Bình luận của bạn