Một số bệnh nhân đã bị sốc phản vệ trong quá trình cấp cứu, điều trị tại các cơ sở y tế thời gian gần đây. Vì thế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh thành tích cực chỉ đạo, triển khai biện pháp nhằm hạn chế sốc phản vệ và hậu quả do sốc phản vệ.
Theo đó, các đơn vị phải tập huấn về hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ cho nhân viên y tế. Bệnh viện thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các kỹ năng khai thác tiền sử dị ứng; kỹ năng phát hiện sốc phản vệ và xử trí sốc phản vệ tại chỗ; chuẩn bị tốt thuốc, trang thiết bị chống sốc... Các đơn vị cũng cần thực hiện nghiêm túc việc báo cáo phản ứng có hại của thuốc.
Ngày 23/5, nữ bệnh nhân 30 tuổi ở Thanh Hóa có hiện tượng sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc cản quang. Ngày 24/5, tại Hải Phòng một bệnh nhân tử vong sau khi được gây tê tủy sống để chuẩn bị mổ xử lý xương gãy sau tai nạn giao thông. Theo hội đồng chuyên môn, nguyên nhân tử vong có thể do sốc phản vệ hoặc tắc mạch phổi cấp tính.
Sốc phản vệ vẫn là thách thức của nền y học không chỉ trong nước mà cả thế giới. Đã có rất nhiều nghiên cứu làm thế nào để phát hiện người dị ứng với thuốc hoặc một hóa chất nào đó khi đưa vào cơ thể điều trị, tuy nhiên đến nay mọi biện pháp trên thực hành chưa thể tìm hết được. Vì thế phác đồ cấp cứu sốc phản vệ để sẽ giúp tăng cường nỗ lực cứu sống bệnh nhân trong tình huống sốc. Một số trường hợp sốc phản vệ đã được áp dụng phương án cấp cứu đúng nhưng vẫn không cứu được người, là do phản ứng cơ địa của từng cơ thể.
Bình luận của bạn