Thanh tra đột xuất các dự án '"dính" tới JTC


Tổng công ty đường sắt VN, chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 đang phải giải trình về nghi vấn hối lộ 80 triệu yen - Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT đã cho biết như vậy. Theo quyết định do ông Huyện ký chiều qua, Thanh tra Bộ GTVT đã thành lập 2 đoàn thanh tra dự án xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và một số dự án của Tổng công ty đường sắt VN làm chủ đầu tư có Công ty tư vấn giám sát giao thông vận tải Nhật Bản (JTC) thực hiện.

Bên cạnh đó, Thanh tra cũng tiến hành thanh tra công tác tổ chức, quản lý, thực hiện các tiểu dự án xây dựng đường sắt đoạn Hạ Long - Cái Lân, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long do Cục Đường sắt VN làm chủ đầu tư.

Hành trình của 3 cán bộ bị dừng công tác

Trong một động thái khác, chiều tối qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã lên đường sang Nhật. Dự kiến ông Đông sẽ ở Nhật từ 25 - 28.3 để làm việc với các cơ quan liên quan về thông tin JTC hối lộ một số cán bộ ngành đường sắt VN.

"Thời điểm Tổng công ty đường sắt VN trình báo cáo lựa chọn nhà thầu tư vấn lên Bộ GTVT phê duyệt, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, bây giờ thì phát sinh vấn đề".

Ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng GTVT

Trước khi lên đường đi Nhật, trao đổi với PV về những cá nhân đã bị dừng công tác để viết tường trình, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết ông Trần Văn Lục giữ chức Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN trong giai đoạn 1999 đến tháng 9.2009, sau đó chuyển sang làm Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt VN. Ông Trần Quốc Đông thay ông Lục tại vị trí Giám đốc RPMU từ tháng 10.2009 và nắm chức vụ này trong khoảng 20 tháng, đến năm 2011 thì lên làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN. Năm 2011, ông Nguyễn Văn Hiếu giữ chức Giám đốc RPMU thay ông Trần Quốc Đông.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thời gian ông Lục giữ vị trí Giám đốc RPMU dự án đường sắt đô thị số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi chuẩn bị các thủ tục đầu tư, mở thầu, đấu thầu và lựa chọn xong nhà thầu gói tư vấn kỹ thuật. Cụ thể, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2004 và có quyết định đầu tư chính thức năm 2008. RPMU do ông Lục làm giám đốc có trách nhiệm làm hồ sơ thầu, tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật từ tháng 4.2008, báo cáo Tổng công ty đường sắt VN và Bộ GTVT phê duyệt kết quả trúng thầu của liên danh tư vấn JKT (do JTC đứng đầu).

Tháng 9.2009, RPMU và liên danh tư vấn JKT ký hợp đồng thực hiện gói tư vấn kỹ thuật. Thời điểm này, ông Nguyễn Hữu Bằng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN.

Danh sách khá dài

Trả lời câu hỏi về nghi án hối lộ tại dự án đường sắt đô thị số 1, ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng GTVT, nói: "Thời điểm Tổng công ty đường sắt VN trình báo cáo lựa chọn nhà thầu tư vấn lên Bộ GTVT phê duyệt, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, bây giờ thì phát sinh vấn đề". Khi được hỏi về trình tự thực hiện dự án và các cấp thẩm duyệt liên quan, ông Dũng nói: "Thời gian đã qua khá lâu, tôi cũng đã nghỉ hưu nên không nhớ được chi tiết dự án. Những việc này Bộ GTVT đang cho xác minh lại".

Trong khi đó, ông Trần Văn Lục nói: "Tôi đã có báo cáo lên Bộ trưởng ngay hôm 23.3. Hiện nay, tôi tập trung giải trình làm rõ giai đoạn công tác liên quan đến dự án". Ông Lục cũng khẳng định đã "làm mọi việc theo đúng quy trình", nhưng từ chối cho biết thêm thông tin. PV Thanh Niên cũng đã cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Hữu Bằng, nhưng ông Bằng từ chối trả lời.

Theo yêu cầu của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, tới 31.3, Tổng công ty đường sắt VN phải đưa ra đầy đủ danh sách cá nhân liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1 và tường trình cụ thể của các cá nhân này.

Theo thông tin ghi nhận được, danh sách cá nhân liên quan khá dài, không chỉ Giám đốc RPMU các thời kỳ, lãnh đạo Tổng công ty đường sắt VN thời điểm dự án triển khai, lãnh đạo Cục Đường sắt, Cục Giám định chất lượng...

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội