Biến lòng thối thành mồi ngon
Tại khu chợ tự phát gần cầu Rạch Đĩa 1, đường Lê Văn Lương (phường Tân Hưng, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh), các loại nội tạng gồm gan, lòng, lá mía, lá sách bò... có giá rẻ như bèo, chỉ từ 8.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, nguyên liệu dùng đầu vào thường là đồ ôi, thối nhưng đã được xử lý bằng cách giặt tẩy như... quần áo. Lo ngại hơn, nội tạng được xử lý bằng loại hóa chất không rõ nguồn gốc được bán trôi nổi trên thị trường. Quan sát tại các cơ sở chế biến cho thấy, nội tạng đông lạnh được bỏ vào lớn, xả nước cho rã đông, tiếp đó, người ta rót một nắp đựng chất lạ (đựng trong chai nước xả vải) cho vào thau, dùng hai tay nhồi nội tạng. Nhồi càng lâu, bọt nhờn đặc quánh nổi lên càng nhiều.
Lòng lợn thối.
Chế thịt lợn thành thịt bò khô
Chiều 6/9, Công an Q.Bình Tân đã kiểm tra Công ty sản xuất thương mại thực phẩm Thanh Ly (711 Lê Trọng Tấn, P. Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) do bà Nguyễn Thị Thanh Ly làm giám đốc. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ gần 10 tấn hàng hóa, trong đó chủ yếu là thịt lợn. Theo điều tra, DN này đã mua thịt lợn về, tẩm ướp gia vị để biến thành thịt bò khô.
Ngoài ra, trong kho xưởng sản còn có nhiều thùng hóa chất màu cam, màu đỏ dùng để tẩm ướp thịt lợn cũng được phát hiện. Công an còn phát hiện hàng trăm thùng khô bò thành phẩm đã được đóng gói kĩ lưỡng để chuẩn bị xuất xưởng. Tất cả số bò khô này được "hô biến" từ...thịt lợn. Bà Ly thừa nhận đã mua thịt lợn với giá 60.000 đồng/kg. Sau khi chế biến thành khô bò bán với giá hơn 200.000 đồng/kg.
Bim bim từ nguyên liệu Trung Quốc nhập lậu
Ngày 4/9, Cảnh sát môi trường Hà Nội đã phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh bim bim tại Khu Công nghiệp Cầu Gáo (Đan Phượng, Hà Nội) do Nguyễn Minh Phóng (32 tuổi) làm chủ sản xuất bim bim từ nguyên liệu Trung Quốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 250 kg chất tạo ngọt (có tên Lotus); 75 kg chất tạo ngọt khác (có tên Xigramat); 600 kg muối (Resinedsalt) và 100kg ớt bột. Phóng thừa nhận tất cả các nguyên liệu này được mua từ Trung Quốc, sử dụng để sản xuất bim bim, không có hóa đơn, chứng từ. Đáng ngại hơn, số nguyên liệu Phóng mua không có giấy tờ xác định được phép sử dụng trong sản xuất chế biến thực phẩm.
Độn đá vào nho Ninh Thuận
Lấy đá độn vào nho, lấy nho hỏng trộn lẫn với nho chất lượng nhằm kiếm lợi bất chính, là cách mà nhiều người bán hàng rong nho Ninh Thuận lên khắp các chuyến tàu, xe Bắc - Nam đang lừa dối người tiêu dùng. Trước khi đưa ra thị trường nho được phân loại, đóng gói để chuyển đi các nơi. Với những thùng nho loại I thì chùm nho còn nguyên, màu quả chín đều nhìn bắt mắt giá bán không dưới 20.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại. Còn nho loại II, loại III là những túm nho bị xé lẻ, những chùm nho thưa thớt màu xấu giá chỉ còn bằng một nửa so với nho loại I.
Để bán được nho loại II, loại III người ta phải dùng dây để xâu chuỗi những túm nho rời thành nho loại I nhìn bên ngoài sẽ khó phát hiện đâu là nho loại I, đâu là nho "thải". Thậm chí có người còn lấy cả đá độn vào giữa chùm nho để có cân nặng hơn so với thực tế.
Hiệp hội nho Ninh Thuận thừa nhận, đây là một thực tế bức xúc, kinh doanh lừa đảo ảnh hưởng đến thương hiệu nho Ninh Thuận nhưng để giải quyết vấn đề này thì không hề dễ dàng.
Bánh Trung thu hết hạn 2 năm vẫn bày bán
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong đợt kiểm tra cao điểm chất lượng mặt hàng bánh Trung thu đã phát hiện một số mẫu bánh đã hết hạn sử dụng nhiều năm vẫn được bày bán. Tại cửa hàng kinh doanh bánh trung thu Kinh Đô thời vụ trên phố Bạch Mai (nằm đối diện số 516 Bạch Mai), đoàn kiểm tra đã phát hiện 28 thùng hàng gồm bột ngũ cốc, bánh vừng dừa, bánh Asean có giá trị 2,5 triệu đồng đã hết thời hạn sử dụng năm 2010, 2011.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương Hà Nội) cho biết: ""Giá bán bánh Trung thu gốc tại nơi sản xuất (như ở huyện Hoài Đức) chỉ khoảng 58.000đ/chiếc. Tuy nhiên cũng loại bánh đó khi được bán trên thị trường đã được đẩy giá lên thấp nhất là 150.000đ/chiếc (tức tăng khoảng 300%)".
Thịt gà chứa hóa chất độc hại
Tại cuộc họp giao ban ngày 6/9 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, kết quả giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh miền Bắc đã phát hiện nhiều mẫu thịt có hàm lượng chất cấm và kháng sinh vượt mức cho phép.
Cụ thể, đã phát hiện 4/54 mẫu thịt gà có Campylobacter spp (chiếm 7,4%); 2/40 mẫu dương tính với chất cấm Chloramphenicol (chiếm 5%) và 4/40 mẫu dương tính với chất cấm Furazolodon (chiếm 10%); 4/40 mẫu phát hiện Tetracyline vượt giới hạn tối đa cho phép.
Bình luận của bạn