Dù không có nguồn gốc rõ ràng nhưng hàng xá vẫn bán
chạy
Không nhãn mác, giá siêu rẻ
Hạt nêm, bột ngọt, tương đen, tương đỏ, dầu ăn, nước mắm, nước tương được đóng trong các túi ni lông đủ kích cỡ: 100g, 200g, 500g, 1kg, nửa lít, một lít, năm lít… treo lủng lẳng hoặc chất đống là hình ảnh chung của nhiều quầy gia vị tại các chợ ở TP.HCM: Phạm Văn Hai, Xóm Củi, Xóm Chiếu, Bà Chiểu, Vườn Chuối, Hòa Hưng…
Tại một quầy hàng khoảng 2m2 trong chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) chứa chật cứng các can tương năm lít không có nhãn mác, bà chủ liên tục đếm can và sai nhân viên đi giao hàng. Bà nói: "Ở đây giá rẻ nhất rồi, mỗi can chỉ 20.000đ. Nhiều quán ăn mua một lần vài can vì mua chai rất đắt. Các chợ khác còn lấy từ đây về bán lại 40.000-50.000đ/can".
Một tiểu thương bán đủ gia vị hàng xá tại chợ Xóm Củi (Q.8) tư vấn: "Nếu mở quán ăn, em nên mua loại hàng xá này, chị cũng bỏ mối cho nhiều quán rồi, giá chỉ bằng nửa nhưng chất lượng không tệ, như hạt nêm chỉ 50.000đ/kg, trong khi hàng có bao bì gần 80.000đ/kg. Toàn hàng có thương hiệu như Vedan, Knorr, Aji-ngon…, do hàng này không tốn tiền bao bì nên giá mới rẻ".
Chợ Xóm Chiếu (Q.4) có hẳn các sạp chuyên kinh doanh hàng xá và khách phải mua sỉ. Chủ một cửa hàng quảng cáo rằng, dầu ăn đựng trong bao ni lông trắng là được chiết ra từ thùng dầu ăn cỡ lớn của nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng chúng tôi chỉ thấy có những can nhựa cỡ lớn 20-25l, hầu như không nhãn mác, nếu có chỉ là những chiếc nhãn với sơ sài vài thông tin tên một cơ sở nào đó chứ không có thông tin thành phần, chỉ tiêu chất lượng…
Chợ Vườn Chuối (Q.3) cũng có loại sạp chuyên doanh các mặt hàng xá hóa mỹ phẩm như: xà bông giặt, nước xả vải, nước rửa chén… Hàng hóa chỉ đựng trong túi ni lông, chai nhựa hoặc chai nước suối. Bà T., chủ quầy bán bột giặt, nước xả vải cho biết, bà chuyên bỏ mối cho những tiệm làm tóc, giặt ủi. Sau khi mua thử bột giặt (14.000đ/kg) và nước xả vải (8.000đ/chai 500ml) về xài thử, chúng tôi giật mình. Bột giặt sau khi bỏ vào nước thì bị vón cục, mùi rất nồng, ít bọt. Nước xả thì có mùi nồng nặc, nước nhơn nhớt. Sau khi sử dụng, da tay bị đỏ và rát.
Vì sao hàng xá bán chạy, dù không có nguồn gốc rõ ràng? Đó là do giá siêu rẻ. Một ký ớt tươi có giá 60.000đ, một cân đậu nành khoảng 30.000đ, trong khi đó giá của một lít tương đỏ, tương đen đóng xá chỉ 5.000-10.000đ; giá dầu ăn của các thương hiệu quen thuộc trung bình khoảng 40.000đ/lít, dầu ăn hàng xá chỉ 24.000đ/lít. Tương tự, một lít nước mắm loại thường đóng chai - có thương hiệu khoảng 20.000đ trong khi một lít nước mắm, nước tương hàng xá chỉ 7.000đ…
Doanh nghiệp khẳng định không sản xuất hàng xá
Phần lớn tiểu thương cho rằng, hàng xá lấy từ các thương hiệu lớn như Aji-ngon, Cholimex, Meizan, Supply… Trong khi đó, đại diện các nhãn hiệu trên đều khẳng định: chỉ đóng gói, đóng chai và bán ra thị trường những sản phẩm hoàn chỉnh có bao bì, ghi nhãn hàng hóa và có đăng ký nhãn hiệu chứ không bán xá để tiểu thương san chiết bán lẻ, và cũng không thể có giá siêu rẻ như tại các chợ.
Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết, sản phẩm hạt nêm của công ty có các gói trọng lượng từ 50g tới 2kg. "Các sản phẩm hạt nêm trên thị trường đóng trong bao bì lớn, không có thương hiệu không phải do Công ty Ajinomoto Việt Nam sản xuất".
Vậy với các trường hợp bán hàng xá không nguồn gốc, xuất xứ như trên có xử lý được không? Bà Lê Thị Ngọc, Phó Ban Quản lý chợ Vườn Chuối nói: "Đúng là hiện chợ có bán những mặt hàng không nhãn mác, nhưng ban quản lý chợ chỉ có thể nhắc nhở bằng cách thường xuyên phát loa tuyên truyền, vận động các ngành hàng phải bán sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn, chứng từ… Việc xử lý mạnh tay hơn thuộc trách nhiệm của phường và quận".
Ông Nguyễn Tấn Phát, cán bộ quản lý về giá cả, hàng hóa của Ban quản lý chợ Bà Chiểu, cho biết: "Căn cứ vào các quy định quản lý chợ này, ban quản lý sẽ kiểm tra. Lần đầu, nếu tiểu thương không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, chúng tôi sẽ nhắc nhở, lần thứ hai vẫn tiếp diễn thì sẽ lập biên bản; đến lần thứ ba sẽ ra quyết định đình chỉ buôn bán từ ba-bảy ngày, tùy trường hợp cụ thể. Mới đây, có một tiểu thương bán nước mắm không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, chúng tôi đã yêu cầu phải đóng cửa sạp bảy ngày để chấn chỉnh. Với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ phối hợp cùng các ban ngành liên quan kiểm tra và xử phạt theo luật định". Tuy nhiên, không rõ việc xử lý "nhỏ giọt" có đủ sức răn đe người kinh doanh? Chỉ biết rằng hàng xá không nguồn gốc vẫn phủ sóng các chợ.
Bình luận của bạn