1
SK+ BS QUE-03
3

Là thế hệ “đời đầu” tham gia vận động hiến máu nhân đạo, TS.BS Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ, những ngày đầu cùng nhóm bạn “lén lút” vận động mọi người tham gia hiến máu là kỷ niệm không bao giờ quên.

Năm 1993, khi ấy BS. Quế đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Y Hà Nội. Chứng kiến nhiều người bệnh khắc khoải chờ máu, cơ thể lịm dần khi không được truyền kịp thời, BS. Quế và 12 thành viên đều là sinh viên trong trường tập hợp thành nhóm tình nguyện chuyên đi vận động thanh niên tham gia hiến máu cứu bệnh nhân. Thời gian ấy, cứ hết giờ học ông lại đạp xe khắp nơi tuyên truyền cho bạn bè, người dân cùng tham gia.

Đến năm 1994, Câu lạc bộ (CLB) Sinh viên hoạt động nhân đạo được thành lập. Công việc chính là đi vận động hiến máu - một việc mà trước đó chưa ai từng làm. 

4

Cách đây 30 năm, khi nhắc đến hiến máu mọi người thường kì thị, dò xét và cho rằng việc làm này gây hại cho sức khỏe. Thậm chí, có người còn nghĩ chỉ người nghèo, không có tiền mới phải hiến hay bán máu để lấy tiền. Vì vậy, hoạt động của CLB khi ấy gặp rất nhiều khó khăn. Khác với hiện nay có thể tuyên truyền công khai, thành viên CLB phải vận động mọi người tham gia một cách “lén lút”. Khi đó, bệnh HIV/AIDS đang “nóng” và được nhiều người quan tâm, vì thế trong những buổi tuyên truyền về căn bệnh thế kỉ này, các thành viên đã “lén” lồng thêm thông tin người bệnh thiếu máu.

Để “rủ rê” thêm được người tham gia, BS. Quế và các thành viên CLB phải kết nối với bạn học Trung học phổ thông (THPT) ở các trường Đại học khác trên địa bàn Hà Nội. Ban đầu sẽ gọi đi ăn, đi uống nước rồi “lân la” giới thiệu cho họ biết về hoạt động của CLB và rủ nhau tham gia. Sau khi nhận được lòng tin từ họ mới dám vận động hiến máu và rủ họ tham gia vận động người khác hiến máu.

“Thời gian đầu vận động, tuyên truyền hiến máu tình nguyện như bán hàng đa cấp bây giờ”, BS. Quế nói.

Bên cạnh những rào cản định kiến xã hội về hiến máu, trong những ngày mới thành lập và hoạt động, CLB còn đối mặt với khó khăn về cơ sở vật chất.

“Khi ấy chúng tôi không có điều kiện gì cả, các tình nguyện viên từ trường Đại học Sư phạm 1 (Đại học Quốc gia hiện nay), Đại học Tài chính kế toán giữa trưa hè đạp xe đến tận Viện khi đó còn nằm ở Bệnh viện Bạch Mai để triển khai nhiệm vụ. Phòng họp khá bé, có người đến không có chỗ ngồi mà chỉ đứng ở cửa sổ nghe triển khai nhiệm vụ đến 12h trưa”, BS. Quế chia sẻ.

Mặc dù thời gian đầu gặp không ít gian nan nhưng cũng có nhiều kỷ niệm vui. BS. Quế vẫn nhớ những lần đi sinh hoạt CLB, không có tiền mọi người phải quyên góp tiền để mua bánh mì rồi chia ra mỗi người một miếng, đói nhưng mà vẫn thấy vui. Rồi khi vận động được ai đồng ý hiến máu là vui như “bắt được vàng”, ba chân bốn cẳng đạp xe chở họ đến thẳng Viện để hiến máu ngay.

5

Khó khăn, thử thách của những ngày đầu thực sự đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ, bởi ngày nay phong trào hiến máu tình nguyện được phát triển rộng rãi, từ cá nhân phát triển thành hệ thống, có sự ủng hộ của người dân.

SK+ BS QUE-07

Đến nay, phong trào hiến máu tình nguyện đã tạo thương hiệu, thành ngày hội lớn. Có thể kể đến đó là việc xác lập kỷ lục về lượng máu tiếp nhận trong 1 sự kiện tại Lễ hội Xuân Hồng, xếp hình Giọt Máu với số người tham gia lớn nhất, Hành trình Đỏ vận động hiến máu xuyên Việt, Chủ nhật Đỏ hiến máu dịp Tết Nguyên đán; Tổ chức các ngày hội hiến máu với hàng ngàn đơn vị máu mỗi ngày như: Trái Tim Tình Nguyện, Giọt Hồng Tri Ân…

Cả nước hiện có 4 trung tâm máu, trong đó Trung tâm Máu quốc gia được xem là “trung tâm mẹ”, cung cấp 30% lượng máu trên toàn quốc. Nhờ sự hoạt động bền vững của phong trào vận động hiến máu, nước ta rất ít khi xảy ra tình trạng khan hiếm máu lớn. Dù vậy vẫn có thời điểm do nhiều yếu tố khác nhau khiến một vài địa phương thiếu máu. Điển hình như thời gian qua, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ và Tây Nguyên gặp khó khăn do thiếu vật tư, hóa chất, ảnh hưởng đến công tác tiếp nhận máu. Tuy nhiên, ngay sau đó Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương; Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy và Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM đã kịp thời cung cấp cho các khu vực trên hàng chục ngàn đơn vị máu.

Hay gần đây nhất vào tháng 10/2023, nhóm máu A dự trữ ở mức thấp, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phải kêu gọi người dân đến hiến nhóm máu A. “Hưởng ứng lời kêu gọi của Viện, đông đảo người dân đã đến tham gia hiến máu. Chỉ sau 1 tuần, lượng máu A dự trữ cơ bản đảm bảo ở mức an toàn”, BS. Quế thông tin.

7

Có được những thành quả ngày hôm nay là sự tham gia tích cực, hết mình của đông đảo các bạn tình nguyện viên ở nhiều thế hệ. CLB Sinh viên hoạt động nhân đạo nay được đổi tên là Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội như cánh tay nối dài, là đơn vị tiên phong sẵn sàng tham gia hiến máu và vận động hiến máu vào những thời điểm khó khăn nhất.

8

Theo BS. Quế, để tình trạng thiếu máu không còn là nỗi lo ngành y, ngoài việc kêu gọi người dân đến hiến máu tình nguyện thì cần tổ chức họ thành những người hiến máu thường xuyên, nhắc lại. Khi mọi người xem hiến máu như hoạt động bình thường thì hàng ngày, hàng giờ có thể cung cấp đầy đủ lượng máu cho cấp cứu và điều trị.

Một biện pháp khác là cần phải tiếp nhận máu gần người hiến hơn, xây dựng các điểm hiến máu cố định, đặc biệt tại các vùng đông dân cư để người dân có điều kiện thuận lợi nhất để tham gia hiến máu. Bên cạnh đó, nên xem xét nâng thể tích lượng máu hiến ở các tình nguyện viên, nếu những lần trước lấy 250ml thì bây giờ có thể tư vấn, vận động tăng lên 350ml hoặc 450ml nếu đủ điều kiện.

Hiện nay, hiến máu tình nguyện không còn xa lạ đối với mọi người. Khi trao đi phần nhỏ lượng máu của mình là bạn đã thắp lên một ngọn lửa, đem lại hy vọng sống cho các bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh hay các ca phẫu thuật đang cần máu gấp.

Ngoài lợi ích cứu mạng người bệnh, hiến máu còn mang lại những lợi ích sức khỏe đối với người trao đi những giọt máu của mình. Hiến máu thường xuyên giúp duy trì lượng sắt khỏe mạnh trong cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh như hemochromatosis - bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh tim mạch và giảm thiểu nguy cơ đau tim.

9

Đăng ký hiến máu còn có thể giúp mọi người phát hiện sớm một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như thiếu máu hoặc các bệnh truyền nhiễm. Bởi trước khi hiến máu sẽ phải xét nghiệm máu để sàng lọc các bệnh dễ lây qua đường máu trước. Nếu máu an toàn, thì nhân viên y tế mới tiến hành lấy máu. 

Cùng với đó, người tham gia hiến máu được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh còn có giá trị bồi hoàn máu cho người hiến máu; Số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng tổng lượng máu người hiến máu đã hiến và giấy chứng nhận hiến máu có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.

10
11
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội