Theo bản kết luận gửi đến các cơ quan báo chí, đoàn công tác (các bác sĩ ở Viện Pasteur và các bác sĩ ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang) đã đến kiểm tra quy trình bảo quản vắc xin, tiêm vắc xin, trực tiếp điều tra cộng đồng tại các xã có nhiều ca bị phản ứng sau tiêm chủng, khảo sát hồ sơ bệnh án và khám thực thể.
Sau kiểm tra, bác sỹ Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, kết luận tình trạng phản ứng sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem ở Tiền Giang là có xảy ra như báo chí nêu. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng nhẹ thông thường, nằm trong giới hạn cho phép và không phải do chất lượng vắc xin không tốt. Nguyên nhân trẻ nhập viện sau tiêm chủng đông tại Cai Lậy là do tâm lý vì liên quan đến những trường hợp tai biến sau tiêm chủng được thông tin trước đó.Ngoài ra, đoàn chỉ phát hiện một sai sót là số lượng trẻ được tiêm chủng trong một buổi tại một điểm tiêm chủng vượt quá quy định cho phép của Bộ Y tế nhưng điều này không làm giảm chất lượng tiêm chủng. Đến chiều 27/10, 17 trẻ nhập viện sau tiêm chủng tại Cai Lậy đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe hồi phục bình thường; các trẻ còn lại ở cơ sở y tế khác cũng đã xuất viện. Sau khi có kết luận về độ an toàn của vắc xin, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vẫn tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 tại các địa phương. Riêng huyện Cai Lậy, loại vắc xin này sẽ được tiêm lại trong đợt tiêm chủng mở rộng tháng 11 sắp tới.
Như đã thông tin, sau khi ngành Y tế tỉnh Tiền Giang thực hiện chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng loại vắcxin Quinvaxem, trong ngày 25/10 đã có 19 trường hợp trẻ nhập viện, sang ngày thứ hai (26/10) có thêm 13 trường hợp trẻ nhập viện do tiêm vắcxin Quinvaxem, trong đó huyện Cai Lậy với 17 trường hợp, huyện Cái Bè 4, huyện Gò Công Tây 3;TP Mỹ Tho, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông mỗi nơi có 2 trường hợp; huyện Chợ Gạo và Tân Phước mỗi nơi có 1 trường hợp.
Bình luận của bạn