Ăn trứng ngỗng khi mang thai có tốt không?

Trong thời kỳ mang thai, người mẹ nên ăn uống đủ chất.

Những lưu ý cho bà bầu U40

Bà bầu không nên sử dụng thuốc gì?

Vitamin cho bà bầu: Bao nhiêu là đủ?

Bà bầu dùng Thực phẩm chức năng: Nên hay không?

Hỏi: Tôi đã có bầu được 4 tháng. Từ khi mang bầu, mẹ chồng tôi đã tìm mua trứng ngỗng và bắt tôi ăn. Mẹ chồng tôi bảo trứng ngỗng rất tốt cho sức khỏe và giúp thai nhi thông minh. Mong bác sỹ cho tôi biết trứng ngỗng có tác dụng như vậy không và ăn nhiều trứng ngỗng có hại không? (Nguyễn Lan Hương, Hà Nội).

Bác sỹ Vũ Thị Nam, trả lời:

Chào bạn, thắc mắc của bạn cũng là thắc mắc của rất nhiều bà bầu, bởi theo kinh nghiệm dân gian thì mẹ ăn trứng ngỗng con sẽ thông minh. Trên thực tế, trứng ngỗng chỉ hiếm chứ không quý và kém trứng gà về giá trị dinh dưỡng. Cho đến nay trên thế giới chưa có một công trình nghiên cứu hoặc một tài liệu nào ghi chép khi mang thai ăn trứng ngỗng sẽ sinh con khỏe mạnh, thông minh.

Về giá trị dinh dưỡng trứng ngỗng kém xa trứng gà. Theo đó, trứng ngỗng có: 13,5% chất protein; 13,2% lipid. So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà là 14,8%). Hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà. Do đó các nhà dinh dưỡng khuyên phụ nữ có thai nên tẩm bổ bằng trứng gà thay cho trứng ngỗng sẽ tốt hơn rất nhiều.

Nếu bạn vẫn muốn ăn trứng ngỗng như kinh nghiệm dân gian thì bạn nên ăn 3 quả trứng ngỗng, cách 3 tháng/lần. Bạn nên coi trứng ngỗng là thực phẩm giàu protein, ăn để bồi dưỡng. Bạn nên chia làm 2 - 3 lần ăn 1 quả cho đỡ ngán vì ăn nhiều protein một lúc sẽ không tiêu hóa hết gây ngán và ứ dạ dày gây chướng bụng. Nếu ăn quá nhiều trứng ngỗng sẽ dẫn tới thừa cân cho mẹ vì trứng ngỗng chứa nhiều cholesterol. Cholesterol cũng là thủ phạm gây ra những bệnh lý như tim mạch, huyết áp, tắc nghẽn động mạch, nhồi máu cơ tim…

Theo các nhà khoa học, sự nhanh nhẹn, lanh lợi của một đứa trẻ tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, như là gene di truyền, cấu trúc não, bản tính, môi trường sống, sự giáo dục và học hỏi… Muốn con thông minh, bạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng khác nhau trong từng giai đoạn của thai kỳ.

Chúc bạn luôn khỏe mạnh. 


Gia Hân H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị