Những lưu ý cho bà bầu U40

Mang thai sau 35 tuổi có thể nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi

Bà bầu dùng Thực phẩm chức năng: Nên hay không?

Vitamin cho bà bầu: Bao nhiêu là đủ?

Giải pháp ngăn ngừa táo bón ở bà bầu

Mẹ bầu nhớ mà tránh này!

Mang thai sau độ tuổi 35 đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có thể gây nguy hiểm cho cả thai phụ lẫn thai nhi. Vì vậy, các bà bầu U40 cần phải chú ý những điểm sau để tránh những rủi ro cho bản thân bà mẹ và đứa bé trong bụng:

1. Khám sức khỏe trước và trong khi mang thai:

Trước khi mang thai, bạn nên đến bác sỹ để khám kiểm tra sức khỏe tổng quát, bác sỹ sẽ đánh giá sức khỏe và nói cho bạn biết cơ thể bạn có đủ khả năng để có một thai nhi khỏe mạnh hay không? Thông qua kết quả khám sức khỏe, bác sỹ sẽ khuyên bạn nên điều chỉnh thói quen, lối ăn uống sinh hoạt như thế nào để cơ thể bạn sẵn sàng chào đón một đứa bé.

Trong lúc mang thai, ở 8 tuần đầu tiên của thai kỳ, bạn cần xét nghiệm để đo lượng đường trong máu, lượng protein trong nước tiểu, huyết áp… để có thể ngăn chặn và phòng tránh các nguy cơ thường xảy ra như huyết áp cao, tiền sản giật, đái tháo đường…

2. Bổ sung acid folic ngay từ 3 tháng trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ:

Acid folic là một trong những vitamin B rất cần thiết đối với việc sản xuất các tế bào mới, trong đó có cả hồng cầu. Bổ sung sớm acid folic trước khi mang thai có thể giúp phòng tránh các bệnh có liên quan đến dị tật ống thần kinh như thoát vị não, màng não, tật cột sống chẻ đôi, não úng thủy; Ngoài ra thiếu acid folic còn có nguy cơ gây sảy thai, thai suy dinh dưỡng, sinh non… Theo Cục Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), acid folic thậm chí còn giúp phòng tránh dị tật về môi, tim, ống tiểu và chân tay ở trẻ mới sinh.

Vì vậy, tất cả các chuyên gia khuyến cáo những phụ nữ đang mang thai cần phải bổ sung thêm acid folic trong suốt thai kỳ với hàm lượng từ 400 - 800 microgram mỗi ngày. Đối với những phụ nữ có ý định mang thai, nên bổ sung 400 microgram mỗi ngày trong suốt 3 tháng trước mang thai. Hiện trên thị trường có rất nhiều thực phẩm chức năng bổ sung acid folic cho bà bầu, hãy hỏi ý kiến bác sỹ để được tư vấn lựa chọn sản phẩm phù hợp.

3. Tăng cân thông minh trong suốt thai kỳ:

Đối với các bà bầu ngoài 35 tuổi, việc tăng cân trong thai kỳ cũng cần được theo dõi và điều chỉnh cho hợp lý, nếu bà bầu bị béo phì hoặc tăng cân quá mức sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, tăng huyết áp cao, đái tháo đường, huyết khối tĩnh mạch sâu, nguy cơ gây thuyên tắc mạch phổi khi sinh hoặc mổ, nhiễm trùng...

Các chuyên gia khuyên chị em phụ nữ chỉ nên tăng trung bình từ 12 - 15kg trong suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào cân nặng trước khi mang thai (BMI trước khi mang thai < 20, tăng 13 - 18kg; BMI = 20 - 26, tăng 10 - 14kg; BMI = 26 - 29, tăng 7 - 11kg; BMI > 29, tăng < 7kg). Nếu người mẹ thiếu cân trước khi mang thai nên tăng 12 - 18kg. Đối với bà bầu thừa cân trước khi mang thai, chỉ nên tăng từ 7-11kg. Nếu mẹ có song thai thì nên tăng 16 - 20kg.

Ngoài ra, bà bầu cũng nên để ý đến cân nặng của em bé để xem mức tăng cân của bé có tỷ lệ với mẹ hay không.

Đối với thai phụ U40, cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe trong suốt quá trình thai kỳ 

4. Chế độ ăn uống lành mạnh:

Trong suốt thai kỳ, cần ăn uống lành mạnh với các loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nên ăn nhiều trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, thịt nạc, và các sản phẩm từ sữa ít chất béo. Ngoài ra, hãy chắc chắn việc bổ sung các nguồn thực phẩm chứa nhiều acid folic, chẳng hạn như các loại rau lá xanh, đậu khô, gan và một số loại trái cây họ cam quýt.

5. Tập thể dục thường xuyên:

Điều này sẽ giúp bạn giữ trọng lượng cơ thể cho một thai kỳ khỏe mạnh, giữ sức khoẻ và giảm bớt căng thẳng. Bạn vẫn có thể tiếp tục việc tập luyện thể dục trong suốt thai kỳ, chỉ cần chắc chắn rằng chương trình tập luyện đó phù hợp với tình trạng sức khỏe và tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để có những thay đổi thích hợp.

 6. Tìm hiểu về các xét nghiệm chẩn đoán tiền sản:

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, những thai phụ trong độ tuổi U40 nên làm một số các xét nghiệm như: Tầm soát đái tháo đường thai kỳ, viêm gan, giang mai, HIV... công thức máu (tầm soát thiếu máu, đặc biệt bệnh thalassemia), nhóm máu ABO và Rh, tổng phân tích nước tiểu, ngoài ra những cận lâm sàng nhằm mục đích tầm soát dị tật bẩm sinh cho thai nhi như: Double test, triple test, siêu âm đo độ mờ da gáy, siêu âm 4D khảo sát hình thái học thai nhi, sinh thiết gai nhau, chọc ối.

Một số các xét nghiệm cần thiết cho thai phụ:
- Sinh thiết gai nhau (CVS): Nhằm phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể như bệnh Down, Turner, Klinfenter, hội chứng Edwards...
- Chọc ối: Nhằm phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể như bệnh Down, Turner, Klinfenter, hội chứng Edwards...
- Triple test: Nhằm phát hiện tính nguy cơ dị tật nhiễm sắc thể và dị tật ống thần kinh cho thai nhi.
- Xét nghiệm dung nạp đường: Nhằm phát hiện bệnh đái tháo đường thai kỳ. Bệnh có thể ảnh hưởng tới nồng độ máu của thai nhi và gây tăng cân nhanh chóng. Trường hợp này, thai có thể quá lớn nên không sinh thường được.



Link H+ (theo Web MD)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp