Nguồn thải ven biển và cửa sông bị nghi ngờ là nguyên nhân khiến cá chết
Từ thực trạng cá chết và nước đổi màu, bốc mùi hôi thối ở nhiều sông hồ, chiều 6/5, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường đề nghị các địa phương ven biển, ven sông lớn rà soát, lập danh sách kiểm tra các cơ sở có nguồn thải lớn và báo cáo về Bộ.
Tại Quảng Ngãi, người dân phản ánh từ năm 2000 đến nay, tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, số người chết vì bệnh ung thư lên đến hàng trăm. Lượng người mắc bệnh ngày càng trẻ hóa khiến người dân lo ngại về nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.Hà Nội từ đầu tháng 4/2016, nước hồ Ngọc Khánh bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến bầu không khí khu vực luôn trong tình trạng ô nghiễm nặng. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị làm rõ nguyên nhân.
Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi được yêu cầu kiểm tra, phân tích, công bố chất lượng nước. Nếu nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì cần có giải pháp tìm nguồn nước sạch thay thế.
Còn tại Thanh Hóa từ 4/5, nhiều người dân đã phát hiện cá chết hàng loạt ở sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, Thạch Thành). Nước sông chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi. Hai ngày sau, hiện tượng này lan ra 3 xã ở hạ lưu gồm Thạch Quảng, Thạch Cẩm và Thành Mỹ.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa), cho biết lãnh đạo Công ty CP mía đường Hòa Bình (trụ sở tại xã Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình) thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi. Việc xả thải bẩn diễn ra nhiều ngày liên tiếp trong khoảng nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Đây được cho là nguyên nhân khiến cá trên sông chết hàng loạt.
Bình luận của bạn