Dưới đây là tình hình dịch bệnh tuần qua.
1. MERS-CoV
Trên Thế giới: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, kể từ đầu vụ dịch đến ngày 5/6, toàn thế giới ghi nhận 681 ca nhiễm MERS-CoV, trong đó 204 ca tử vong. Riêng tại Ả rập Xê út, từ ngày 19/5/2014 đến ngày 05/6/2014 đã ghi nhận 44 trường hợp nhiễm MERS-CoV. Đến nay, MERS-CoV đã ghi nhận tại 20 quốc gia (Ai Cập, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Jordan, Coét, Lebenon, Malaysia, Hà Lan, Oman, Philippines, Quata, Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha, Tunisia, Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Anh, Mỹ và Yemen). Phần lớn các trường hợp bệnh được ghi nhận tại Ả rập Xê út. Đa số các trường hợp mắc là cư dân, số ít trường hợp nhiễm bệnh là khách du lịch.
Tại Việt Nam: Chưa ghi nhận trường hợp mắc.
2. Cúm A(H7N9)
Trên Thế giới: Ngày 5/6, WHO tại Việt Nam thông báo ghi nhận thêm 4 trường hợp mới nhiễm cúm A(H7N9) tại Trung Quốc (sau 08 ngày không có ca mắc mới, kể từ 27/5/2014). Tổng số ghi nhận cúm A(H7N9) tới nay là 448 trường hợp nhiễm, 156 tử vong (tỉ lệ tử vong là 34,8%). Ghi nhận chủ yếu tại Trung Quốc (15 tỉnh, thành phố); Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia.
Tại Việt Nam: Chưa ghi nhận trường hợp mắc.
3. Cúm A(H5N1)
Trên Thế giới: Từ đầu năm 2014 đến nay Thế giới ghi nhận 13 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 6 trường hợp đã tử vong. Cụ thể số mắc/tử vong tại các quốc gia: Căm pu chia (9/4), Trung Quốc (2/0), Việt Nam (2/2).
Tại Việt Nam: Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Bình Phước và Đồng Tháp, các trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc, giết mổ gia cầm bị bệnh.
4. Các chủng vi rút cúm tại Việt Nam
Hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia được triển khai từ năm 2006 nhằm đánh giá sự lưu hành của vi rút cúm tại nước ta. Theo kết quả của các điểm giám sát trọng điểm đến ngày 28/5:
+ Trong số các trường hợp mắc hội chứng cúm, tỷ lệ lưu hành chủ yếu là cúm A(H3N2) 27%, cúm B 44% và cúm A(H1N1) 29%.
+ Trong số các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, cúm A(H1N1) chiếm 55,3%, cúm A(H3N2) chiếm 18,4%, cúm B chiếm 26,3%.
Hiện chưa phát hiện sự biến đổi gien của vi rút ảnh hưởng đến độc lực và sự kháng thuốc của vi rút cúm tại Việt Nam.
5. Sởi
Trên Thế giới Tổ chức Y tế Thế giới không có thông tin cập nhật thêm về bệnh sởi trên Thế giới so với báo cáo tuần trước.
Tại Việt Nam: Trong tuần (từ 29/5-4/6/2014) ghi nhận 193 trường hợp dương tính với sởi, so với tuần trước giảm 13,4%. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến ngày 4/6/2014 cả nước ghi nhận 27.864 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 5.144 trường hợp mắc sởi xác định.
6. Tay chân miệng
Trên Thế giới: Trong những năm gần đây, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến 20/5/2014, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo số mắc tay chân miệng đang gia tăng tại Trung Quốc (675.139 trường hợp mắc) tăng 1,9 lần, Ma Cao (1.321 trường hợp mắc) tăng 1,8 lần, Singapore (6.856 trường hợp mắc) tăng 1,03 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Tại Việt Nam: Trong tuần (từ 26/5/2014 đến 01/6/2014) ghi nhận 1.953 trường hợp mắc, không có tử vong. Trong tuần có:11 địa phương ghi nhận số mắc tăng so với tuần trước và 8 địa phương có số mắc giảm: Ninh Thuận, Yên Bái, Tiền Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Vĩnh Phúc và Bà Rịa -Vũng Tàu.
Tích lũy từ đầu năm 2014 cả nước ghi nhận 26.924 trường hợp mắc tại 62 địa phương, có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, số mắc/100.000 dân của cả nước là 28,9. So với cùng kỳ năm 2013 số mắc cả nước giảm 11,8%, tử vong giảm 09 trường hợp.
7. Sốt xuất huyết
Trên Thế giới: Theo WHO, năm 2014 sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương như: Malaysia, Singapore, Căm pu chia, Lào, Phi líp pin, New Caledonia, trong đó Malaysia tăng 2,5 lần so với cùng kỳ 2013.
Tại Việt Nam:Trong tuần (từ 26/5/2014 đến 01/6/2014), cả nước ghi nhận 397 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 32 tỉnh/thành phố, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Tích luỹ từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 10.133 trường hợp mắc tại 42 tỉnh/thành phố, 07 trường hợp tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh (3), Bình Dương (1), Cà Mau (1), Bình Phước (1) và Phú Yên (1). So với cùng kỳ năm 2013 (17.534/13), số mắc giảm 42,2%, tử vong giảm 06 trường hợp.
8. Sốt rét
Từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 8.480 trường hợp sốt rét, 21 trường hợp sốt rét ác tính, 01 trường hợp tử vong tại Gia Lai. Phân bố ký sinh trùng sốt rét vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên (39,3%), miền Trung (40,3%).
- So với cùng kỳ năm 2013, số bệnh nhân sốt rét giảm 35,3%, bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét giảm 36,4%, tử vong giảm 01 trường hợp.
9. Viêm não vi rút (nguyên nhân do nhiều loại vi rút khác nhau)
Trong tuần cả nước ghi nhận 12 trường hợp mắc mới, không tử vong. Đến nay cả nước ghi nhận 280 trường hợp mắc (bao gồm cả viêm não Nhật Bản B và các trường hợp iêm não khác), 4 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2013 (399/11) số mắc cả nước giảm 29,8%, tử vong giảm 7 trường hợp.
10. Dại
Trong tuần cả nước không ghi nhận trường hợp tử vong do dại, bổ sung 1 trường hợp tử vong tại Lai Châu vào tuần 21.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 24 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Yên Bái (4), Thanh Hóa (3), Hà Nội (2), Hòa Bình (2), Quảng Ngãi (2), Tuyên Quang (2), Lai Châu (2), các tỉnh có 1 ca tử vong: Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Sơn La, Quảng Nam. So với cùng kỳ năm 2013 số tử vong do dại giảm 16 trường hợp, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc với 21/24 trường hợp (chiếm 87,5%), miền Trung với 3/24 trường hợp (chiếm 12,5%), khu vực miền Nam và Tây Nguyên chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tất cả các trường hợp tử vong do dại do không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn hoặc đi tiêm muộn.
Đồng thời, đẩy mạnh việc tiêm vắc xin trong dự án tiêm chủng mở rộng, đặc biệt lưu ý tỷ lệ uống vắc xin bại liệt cho trẻ em đảm bảo thành quả thanh toán bệnh bại liệt ở nước ta.
Bên cạnh đó, Tăng tỷ lệ tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi tại xã, phường có nguy cơ cao 11 tỉnh, thành phố trọng điểm. Chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vắc xin Sởi - Rubella (MR) cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi dự kiến tháng 9/2014.
Tiếp tục tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch tại các tuyến.
Bình luận của bạn