Báo động tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em gia tăng


Xã hội và gia đình phải có trách nhiệm đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ

Thực trạng đáng lo ngại

Từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng xuất hiện những vụ việc chấn động liên quan đến bạo lực gia đình mà trong đó trẻ em là nạn nhân. Có thể kể ra hàng loạt ví dụ tiêu biểu từng khiến dư luận phẫn nộ như vụ việc ông bố 35 tuổi, ở Lạng Sơn dùng chày đập vào đầu con gái chỉ vì cháu bé không chịu đi học, hậu quả khiến cháu bé tử vong vào ngày 3/4 vừa qua. Hay ngay tại Gia Lâm (Hà Nội), mới đây dư luận cũng bàng hoàng không kém trước thông tin một bà mẹ có dấu hiệu bị bệnh tâm thần đã xây "lô cốt" giữa nhà để giam cầm cô con gái 9 tuổi trong thời gian dài vì hoang tưởng cháu bé bị nghiện ma túy…

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại đang có xu hướng gia tăng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.000 vụ bạo lực trẻ em và hàng chục trẻ thiệt mạng vì bạo lực. Đáng chú ý, có những trẻ bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc xâm hại, bạo hành. Nguyên nhân của thực trạng trên là do sự phát triển kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp, dẫn đến sự biến đổi các giá trị xã hội, giá trị sống. Lối sống gấp, hành vi lệch chuẩn tác động đến các mối quan hệ gia đình, đến sự giáo dục, bảo vệ của gia đình với trẻ em. Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều trẻ em bị xâm hại, bạo lực thời gian dài là do hành vi không được tố giác, tố cáo kịp thời.

Chung tay ngăn chặn

Ông Vijaya Ratnam-Raman, quyền Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em - Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phân tích, khi một đứa trẻ sớm phải chứng kiến hoặc trải qua bạo hành ở giai đoạn phát triển tối quan trọng về trí não và thể chất, các em có thể phải gánh chịu những ảnh hưởng suốt đời. Theo báo cáo tóm tắt về vấn đề bạo lực đối với trẻ em của UNICEF vừa được công bố, những trẻ bị ngược đãi khi còn nhỏ, lớn lên thường gặp nhiều nguy cơ hơn về các bệnh mãn tính. Những rủi ro gồm bệnh tim, ung thư, bệnh phổi mãn tính, bệnh gan, đột quỵ, tiểu đường, béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao, và sức khỏe toàn diện kém. Bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến một đứa trẻ hay một gia đình mà còn cản trở tăng trưởng kinh tế vì mất năng suất và giảm chất lượng cuộc sống...

Ông Nguyễn Hải Hữu cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ em, giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại, bạo hành về thể chất và tinh thần, bảo đảm cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhấn mạnh, bạo lực đối với trẻ em có thể ngăn chặn được và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của tất cả mọi người.

Phát động chiến dịch chấm dứt bạo hành trẻ em

Ngày 31/5, tại tỉnh Hòa Bình, Bộ LĐ-TB&XH phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 với chủ đề "Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em", đồng thời phát động chiến dịch toàn quốc chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. Hoạt động trọng tâm trong Tháng hành động này là đẩy mạnh chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của mọi người dân về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cùng đó sẽ phát triển các dịch vụ bảo vệ trẻ em để sẵn sàng tiếp nhận thông báo, tố cáo và hỗ trợ, can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi và mùa hè an toàn, lành mạnh cho trẻ.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội