Bệnh về khớp - càng chần chừ, càng khó chữa

Ngày 24/8, Kênh phát thanh chuyên biệt về sức khỏe Joyfm tần số 98,9 Mhz đã tổ chức chương trình diễn đàn “ Bệnh Gút, Viêm khớp dạng thấp, các biến chứng và cách phòng chống” tại trường quay Đài PTTH Hà Nội.

Chia sẻ trong chương trình, PGS.TS Dương Trọng Hiếu – Chuyên gia Y học cổ truyền: “bệnh khớp là một bệnh phổ biến ở các nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Số lượng người mắc bệnh khớp ở Việt Nam ngày càng gia tăng và bị trẻ hóa rất nhanh. Trên thế giới, độ tuổi trung bình mắc bệnh về khớp là 70, nhưng ở Việt Nam hiện tại là 50”.



Còn PSG.TS Vũ Nam – Phó giám đốc bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương: “Trong số những người mắc bệnh về khớp, có thể nói người bị bệnh về gout chiếm một tỷ lệ lớn. Trung bình ở các nước phát triển, bệnh chiếm tỷ lệ 1-2% dân số. Ở Việt Nam bệnh về gout đã trở nên phổ biến ở cả thành thị và nông thôn, vươn lên đứng hàng thứ 4 trong 15 bệnh về khớp nội trú thường gặp nhất”.

Mặc dù tốc độ phát triển và biến chứng của bệnh ngày càng nhanh nhưng những kiến thức của người dân về căn bệnh vẫn còn hạn chế. Theo các chuyên gia, hiện nay y học hiện đại đã có thể phát hiện sớm và kiểm soát có hiệu quả các bệnh lý cơ xương khớp như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ hạt nhân, chụp đồng vị phóng xạ. Các kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ sinh thiết cơ, xương, màng hoạt dịch khớp, siêu âm chẩn đoán, các xét nghiệm sinh hoá, miễn dịch đang được ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh lý cơ xương khớp. Một số xét nghiệm gen cho phép biết trước được nguy cơ mắc một số bệnh khớp ngay từ khi đứa trẻ còn ở trong bào thai.


Tuy nhiên chính người bệnh phải là người biết đầu tiên cần chú ý phát hiện sớm bệnh. Các biểu hiện sớm của bệnh xương khớp là đau ở bất kỳ vị trí nào của bộ máy vận động dù cho đó là cơ, xương hay khớp và hạn chế vận động. Triệu chứng đau có thể kèm theo các triệu chứng viêm khác sưng, nóng, đỏ. Đó chính là các nguyên nhân đầu tiên khiến người bệnh phải quan tâm chú ý đến bộ máy vận động của mình. Để phát hiện bệnh sớm, người bệnh cũng nên hình thành được "văn hoá khám bệnh". Điều đó có nghĩa là khi có triệu chứng bệnh thì nên đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay. Chớ có tham công tiếc việc, chần chừ để đến khi bệnh nặng mới đi khám thì sẽ rất tốn kém mà hiệu quả không đạt được là bao.

Cần phải nhấn mạnh vai trò quyết định của các bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa xương khớp. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa xương khớp mới là các chuyên gia phát hiện đúng và điều trị kịp thời các bệnh xương khớp cũng như có thể tư vấn hiệu quả cho người bệnh. Việc xác định các yếu tố phát triển bản thân và môi trường là các yếu tố nguy cơ mắc bệnh khác cũng giúp cho người thầy thuốc đánh giá được một cách toàn diện khả năng mắc bệnh, tiên lượng được mức độ nặng nhẹ của bệnh.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn