BHYT cho bệnh viêm gan virus C: Vẫn còn "trên giấy"

Bệnh nhiều, điều trị ít

Báo cáo của Hội Gan Mật Việt Nam năm 2012 cũng cho thấy, tỷ lệ mắc HCV ở nước ta chiếm khoảng 4 - 5% (khoảng 4,5 triệu người) dân số và con số này có thể tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, HCV gây ra gánh nặng lớn cho người bệnh bởi chưa có vaccin phòng bệnh và chi phí điều trị khá cao.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận từ 700 - 800 lượt bệnh nhân đến khám gan. Trong đó hơn 10% trường hợp nhiễm HCV. Tuy nhiên mới chỉ hơn 5% bệnh nhân theo đuổi được đúng phác đồ điều trị (48 - 72 tuần).

Theo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về Gan mật, những tiến bộ trong điều trị HCV trên thế giới (thuốc, kỹ thuật, phương tiện) đều đã được các bác sỹ của ta cập nhật nhưng việc phát hiện và điều trị còn hạn chế vì việc điều trị và theo dõi đúng quy trình mới chỉ được thực hiện tại một số ít cơ sở chuyên khoa.

Thêm vào đó, chi phí cao (thông thường từ 60 - 200 triệu đồng tùy theo mức độ bệnh) cùng với thời gian điều trị kéo dài từ 6 - 18 tháng khiến người bệnh mau nản chí, điều trị ngắt quãng hoặc bỏ cuộc, nhất là với những bệnh nhân có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn.

viêm gan C, bảo hiểm y tế
Bệnh nhân cần có nhiều cơ hội để được tiếp cận điều trị và giảm gánh nặng về kinh tế

Vẫn đang tìm "chìa khóa"

Sớm đẩy lùi được HCV nói riêng và viêm gan virus nói chung được xác định là một trong những mục tiêu lớn của ngành y tế bởi HCV không chỉ gây gánh nặng với bệnh nhân mà cả hệ thống y tế nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chi phí "tăng thêm" từ việc điều trị biến chứng nặng của HCV như xơ gan, ung thư gan hay những "tổn thất" về sức khỏe, sức lao động sẽ thực sự lớn nếu việc ngăn chặn HCV tiến triển gây nên các biến chứng nặng và lây nhiễm ra cộng đồng không hiệu quả.

Tuy nhiên, dù Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2011/TT-BYT quy định quỹ Bảo hiểm Y tế sẽ thanh toán 25 loại thuốc đặc trị, trong đó có thuốc điều trị viêm gan C với hai hoạt chất Interferon và Peginterferon, có hiệu lực từ ngày 25/8/2011 nhưng cho đến nay người bệnh vẫn chưa được hưởng "hỗ trợ" này.

Cuối năm 2012, Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh "đồng ý thanh toán chi phí điều trị viêm gan C" theo phác đồ do ngành y tế đề xuất thì chỉ sau đó ít lâu, đơn vị này lại có công văn yêu cầu "ngưng" để "chờ Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thống nhất về quy trình quản lý người bệnh để đảm bảo điều trị hiệu quả và tiết kiệm".

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo ngành y tế, việc BHYT có thanh toán cho người bệnh mắc HVC hay không là do cơ quan bảo hiểm quyết định. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan đều cho rằng đang "đợi" phác đồ điều trị chuẩn.

Mới đây, tại hội thảo hướng dẫn, tư vấn chẩn đoán và điều trị HCV do Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y Tế tổ chức, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, HCV gây gánh nặng bệnh tật lớn nhưng còn nhiều hạn chế trong nhận thức, sàng lọc và điều trị bệnh. Theo TS Khuê, để đẩy lùi HCV, cần có kế hoạch hành động mang tính tổng thể, tập trung vào các giải pháp cụ thể khác nhau và cần nhanh chóng củng cố, hoàn thiện các văn bản luật pháp, đảm bảo tính sẵn có và tăng cường khả năng tiếp cận với các thuốc đặc trị viêm gan virus C cho người bệnh.

Như vậy, rõ ràng việc Bảo hiểm Y tế hỗ trợ và chi trả cho thuốc điều trị HCV sẽ là "chìa khóa" để mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân được tiếp cận điều trị và giảm gánh nặng về kinh tế cho họ. Hy vọng những vướng mắc sẽ được ngành y tế và cơ quan bảo hiểm sớm tháo gỡ và đi đến thống nhất nhằm kịp thời hỗ trợ cho bệnh nhân và góp phần giảm gánh nặng, tiến tới đẩy lùi các bệnh gan do virus gây ra.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin