“Đánh thức” chiều cao
BS Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận - máu - nội tiết, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 cho biết: từ tháng 9/2013 đến nay, BV đã điều trị cho 10 bệnh nhi chậm phát triển chiều cao do thiếu hormon tăng trưởng. Hầu hết các ca đều điều trị thành công và cải thiện được chiều cao cho các bé. Hiện, BV Nhi Đồng 2 đang điều trị cho bé trai Tr.H.Q. (31 tháng tuổi, TP.HCM). Bé Q. chỉ cao 88cm. Trước đó, bé có biểu hiện hạ đường huyết, co giật. Vì triệu chứng co giật liên tục, Q. được người nhà đưa đi khám tại nhiều BV lớn nhưng vẫn không phát hiện bệnh. Cuối cùng, Q. được đưa vào BV Nhi Đồng 2. Sau khi thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện “cậu nhỏ” của bé Q. rất nhỏ so với những trẻ bình thường nên nghi ngờ bé thiếu hormon tăng trưởng. Được chẩn đoán đúng bệnh, sau vài tháng điều trị, bệnh nhi Q. đã hết co giật. Qua bốn tháng điều trị, chiều cao bé tăng 7cm.
BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - nội tiết, BV Nhi Đồng 1, cho biết: hormon tăng trưởng được tiết ra bởi tuyến yên, kích thích sự phát triển thể chất, tạo khối cơ bắp, giúp xương trưởng thành, điều hòa đường huyết và hệ miễn dịch. Bệnh “lùn” có hai nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân bẩm sinh thì trẻ có thể vướng nguyên nhân mắc phải: bị u ở tuyến yên, bất thường mạch máu, chấn thương, viêm nhiễm (viêm màng não, nhiễm rubella bẩm sinh), phẫu thuật cắt bỏ tuyến yên, xạ trị...
Đặc điểm của bệnh là trẻ “lùn” cân đối, không có bất thường gì về xương, không bị biến dạng xương. Trẻ mắc bệnh này thường có mức độ tăng trưởng hằng năm ít hơn 4cm từ lúc hai tuổi đến khi dậy thì. Nếu không được điều trị, chiều cao của bệnh nhân khó đạt trên 1,5m. Trước đây, do phương tiện chẩn đoán và điều trị hạn chế nên khả năng phát hiện thường rất muộn và điều trị không liên tục. Bệnh nhân bị nghi ngờ mắc bệnh "lùn" do thiếu hormon tăng trưởng sẽ được làm xét nghiệm và các nghiệm pháp kích thích bài tiết hormon tăng trưởng, chụp MRI tuyến yên…
Bé M.D. được bác sĩ theo dõi để điều trị bệnh thiếu chiều cao do thiếu hormon tăng trưởng - Ảnh: T.D.
Chỉ có 4,5% ca được điều trị
Các bác sĩ cảnh báo, nếu thiếu hormon tăng trưởng, trẻ có thể bị hạ đường huyết, co giật ở tuổi nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi). Trẻ lớn hơn thì chậm tăng trưởng, khuôn mặt bầu bĩnh, giọng nói the thé, dương vật nhỏ, nếu không được điều trị kịp thời thì sẽ không thể khắc phục. Theo BS Hoàng Thị Diễm Thúy, ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em bị thiếu hormone tăng trưởng là 70 ca/một triệu trẻ. Thực tế chỉ có khoảng 4,5% bé trong số đó được điều trị. Vì sao?
Chi phí điều trị cho trẻ mắc bệnh “lùn” dao động từ 50-150 triệu đồng/năm, tương đương với chi phí trung bình cho 1cm chiều cao là 10 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn. Nếu trẻ càng nặng cân thì chi phí càng cao do lượng thuốc cần tiêm càng lớn. Hiện, trẻ điều trị tại BV Nhi Đồng 2 không được BHYT thanh toán tiền hormon tăng trưởng. Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi Đồng 2 cho biết: với những trẻ mắc bệnh này, BHYT chỉ thanh toán chi phí khám bệnh, xét nghiệm. Trong khi đó, theo BS Huỳnh Thoại Loan, tất cả trẻ điều trị đều được thanh toán chi phí hormon tăng trưởng.
Đại diện Bảo hiểm xã hội TP.HCM giải thích, nếu trước đây bệnh “lùn” do thiếu hormon tăng trưởng hiếm gặp thì hiện nay phát hiện nhiều trẻ mắc bệnh, vì vậy thuốc điều trị bệnh này đã được đưa vào danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán theo thông tư 31/2011/TT-BYT. Việc bệnh nhân không được thanh toán BHYT có thể do BV Nhi Đồng 2 không đưa vào diện thanh toán, bởi hiện nay, BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo khoán định suất. Trong khi đó, chi phí điều trị bệnh “lùn” do thiếu hormon rất lớn, có thể gây vỡ quỹ của mỗi BV. Cũng có thể do BV Nhi Đồng 2 không nộp phác đồ điều trị bệnh “lùn” lên Sở Y tế, trong khi nếu được Sở y tế chấp thuận phác đồ thì BHYT sẽ đồng ý để BV thanh toán cho người bệnh.
Tuy nhiên, BS Phạm Mai Đằng, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi Đồng 2 khẳng định: BV đã nộp phác đồ lên Sở, nhưng Sở yêu cầu bổ sung một số chi tiết. Mỗi lần lập hội đồng xem xét phác đồ là không đơn giản. BV phải tiếp tục chờ Sở thông qua phác đồđiều trị.
Theo các bác sĩ nội tiết thì việc thiếu hormon tăng trưởng không chỉ gây ra bệnh “lùn” cho trẻ mà còn gây ra các bệnh về bướu giáp, suy tuyến thượng thận sau này. Thủ tục hành chính phức tạp có thể làm cho nhiều trẻ mất cơ hội điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Bình luận của bạn