Bia không cồn: Không say nhưng liệu có 'đứng vững'?

Theo nhà sản xuất, loại bia này không chứa cồn nhưng vẫn đảm bảo mùi vị và màu sắc như bia truyền thống. Vì những đặc điểm trên, bia không cồn có lợi thế là uống nhiều cũng không gây nhức đầu, choáng váng và mất tỉnh táo.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra e ngại trước chất lượng và sức cạnh tranh của dòng bia mới. Trước đó, vào năm 2007, Vinamilk cũng đã cho ra đời bia ZoRok với nồng độ cồn rất thấp và đã hoàn toàn biến mất chỉ sau 2 năm tồn tại trên thị trường.


Chuyên gia khẳng định không tồn tại khái niệm "bia không cồn"

Ông Thịnh khẳng định: “Đã là bia, tức là phải có cồn. Bia, rượu chính là các chất kích thích mà nguyên nhân dẫn đến sự kích thích ấy, chính là cồn. Việc tồn tại một loại bia không chứa cồn là một mâu thuẫn về mặt nguyên lý. Chúng ta nên gọi thứ đồ uống đó là một dạng nước giải khát có gas thì sẽ đúng hơn!”.

“Việc loại bỏ hoàn toàn cồn là rất mất công. Hầu hết các cơ sở sản xuất vẫn để lại một chút cồn trong bia. Tuy nhiên, vì nồng độ thấp nên người uống khó phát hiện ra”, ông Thịnh giải thích thêm. Vì thế, người dân không nên tin rằng có một loại bia uống không say mà dẫn đến tâm lý uống thả ga.

Nếu mọi công đoạn sản xuất đều đảm bảo vệ sinh thì bia không cồn là một thức uống an toàn nhưng ít có giá trị. Bởi, khi chưng cất, mùi vị của bia sẽ biến đổi do cồn cùng các chất dễ bay hơi trong bia bị phân tách. “Tóm lại, đó sẽ là một thức uống không ngon, không kích thích vị giác. Những người nghiền bia, rượu sẽ chẳng bao giờ uống loại bia đó vì nó có ít giá trị trong bàn nhậu. Những người tửu lượng kém cũng sẽ không chọn loại đồ uống này vì chúng nhạt nhẽo và kém hấp dẫn hơn nước ngọt hoặc các loại nước giải khát có gas khác”, TS. Thịnh chia sẻ.

Cồn chính là một thành phần quan trọng của rượu, bia, tạo nên nét khác biệt so với những đồ uống khác. Cồn thấm qua máu, tác động lên hệ thần kinh, giết chết các tế bào não, gây ra ảo giác, rối loạn cảm xúc và nhiều tác hại khác.

Tuy nhiên, những người nghiện bia, rượu rất khó cai vì khi uống rượu, cơ thể phóng thích một chất gây hưng phấn nhất thời được gọi là “thuốc phiện nội sinh”. Hoạt chất này có khả năng gây nghiện và kích thích cảm giác thèm uống. Đối với bia không say, người ta sẽ không có cảm giác thèm uống vì các chất gây kích thích cũng đã mất đi trong quá trình phân tách cồn. Vì vậy, làm thế nào người Việt tiêu thụ dòng bia không cồn mạnh mẽ như các nước phát triển (Mỹ, Tây Ban Nha,...) vẫn là câu hỏi khó cho các nhà sản xuất.

CTV9
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội