1
2

Biến đổi khí hậu là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia và sự sống trên trái đất, đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.

Tiêu biểu nhất là hiện tượng nắng nóng ngày càng trở nên cực đoan và khó lường. Theo báo cáo hiện trạng khí hậu hàng năm của Cơ quan Thời tiết và Khí hậu Liên Hợp Quốc xác nhận dữ liệu sơ bộ cho thấy năm 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, với thông tin dữ liệu mới nhất, một số nhà khoa học cảnh báo có nhiều khả năng năm 2024 có thể "đánh bại" năm 2023 để trở thành năm nóng nhất được ghi nhận.

Vừa qua, vào tháng 4/2024, cả thế giới trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus nhấn mạnh nhiệt độ trong tháng 4 ấm hơn 1,58 độ C so với mức trung bình ước tính ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Những tác động của khí hậu ngày càng rõ rệt. Nhiều quốc gia ở Châu Á đang phải vật lộn với nắng nóng gay gắt. Trường học đóng cửa ở Bangladesh, cánh đồng lúa cháy khô ở Việt Nam và người dân Ấn Độ phải chật vật với thời tiết nắng nóng hơn 43 độ C để đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử gần đây.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiệt độ trung bình tháng 1-3/2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Trong tháng 4/2024, tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhiệt độ cao hơn từ 3,1-3,6 độ C so trung bình các năm, các khu vực khác cao hơn từ 1,6-2,4 độ C. Trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình tháng 4/2024 đạt 28 độ C, vượt giá trị lịch sử cũ là 27,1 độ C (hồi tháng 4/2019), trở thành tháng 4 nóng nhất trong lịch sử tính từ năm 1980.

Bên cạnh đó, tháng 4 vừa qua đã có 110/186 trạm quan trắc trên cả nước ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, trong đó có đến 44 trạm vượt giá trị lịch sử năm.

3

Liên quan đến thời tiết những tháng tới, hiện tượng El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Từ tháng 7 đến tháng 9/2024, khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Cùng với sự biến chuyển của hiện tượng ENSO (chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina) như vậy thì năm nay sẽ là một năm thiên tai có rất nhiều điều bất thường.

Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc, mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. 

4

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác động đáng lo ngại cho sức khỏe con người. Điển hình như tăng nhiệt độ cơ thể, kiệt sức, sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm và bệnh mạn tính liên quan đến đường hô hấp như phổi, huyết áp, tim mạch, sốt rét, đột quỵ...

Bên cạnh đó, còn có sự phát triển của côn trùng, vi sinh vật, cỏ dại gây hủy hoại mùa màng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, các dịch bệnh cũ bùng phát, dịch bệnh mới xuất hiện, hiện tượng bão, lũ lụt gây thiệt hại sinh mạng con người...

Theo bài phân tích “Fast Facts on Climate and Health” trên trang Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Biến đổi khí hậu gây ra ô nhiễm không khí, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tình trạng mất an ninh lương thực, áp lực lên sức khỏe tâm thần… tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Hàng năm, các yếu tố liên quan đến môi trường đã cướp đi sinh mạng của khoảng 13 triệu người.

Hơn 90% người dân phải hít thở không khí ở mức ô nhiễm không tốt cho sức khỏe, phần lớn là do đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, giao thông tạo ra khoảng 20% ​​lượng khí thải carbon toàn cầu.

Ước lượng vào năm 2050, khi thực hiện được các mục tiêu của Hiệp định Paris (Hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ 2016) có thể cứu khoảng một triệu sinh mạng mỗi năm trên toàn thế giới thông qua việc giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tránh những tác động xấu nhất của khí hậu có thể giúp ngăn ngừa thêm 250.000 ca tử vong liên quan đến khí hậu mỗi năm từ năm 2030 đến năm 2050, chủ yếu là tác động từ suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt.

5

Như chúng ta đã thấy, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ rệt đến sức khỏe con người. Bên cạnh nỗ lực toàn cầu, mỗi cá nhân cần hành động để bảo vệ bản thân trước những thách thức liên quan đến khí hậu. Cụ thể, mỗi cá nhân cần uống đủ nước, thoa kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, hạn chế các hoạt động ngoài trời trong thời gian nắng nóng khắc nghiệt, theo dõi chỉ số chất lượng ô nhiễm không khí tại khu vực sinh sống…

Bên cạnh đó, bạn nên giữ gìn vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm bằng cách rửa tay thường xuyên, sử dụng đồ dùng nấu nướng sạch sẽ, ăn chín uống sôi…

Biến đổi khí hậu cũng có thể mở rộng phạm vi sinh sống của muỗi truyền bệnh, vì thế bạn hãy loại bỏ nước đọng, sử dụng màn chống muỗi, phun thuốc chống côn trùng…

6
7
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội