Bộ trưởng Y tế: Giải pháp vẫn là tiêm vaccine phòng sởi

Thăm một số bệnh nhi mắc sởi, Bộ trưởng đã có hơn 2 tiếng làm việc với các bệnh viện chữa nhi và truyền nhiễm tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và hai chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới…


Chị Tiến thăm bệnh nhi đang điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương trước khi làm việc với các bệnh viện đang điều trị sởi hiện nay

Những giải pháp được thống nhất trong cuộc họp này là giảm quá tải bệnh viện, giảm lây chéo, tăng cường nhân lực, kéo giãn khoa cho rộng phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Điều cơ bản nhất theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới là tuyên truyền cho người dân hiểu, nếu mắc sởi ở mức độ nhẹ thì nên chữa tại tuyến khám chữa bệnh đăng ký ban đầu. Thông thường các ca sởi là nhẹ, chỉ tử vong cao trên cơ địa viêm phổi, bệnh kèm theo, mãn tính như chuyển hóa, tim, suy dinh dưỡng…

"Tôi đã đề nghị các bệnh viện tuyến trên cử bác sỹ xuống bệnh viện vệ tinh. Chẳng hạn Saint Paul là vệ tinh của Nhi Trung ương, như thế người dân đến Saint Paul cũng giống như lên tuyến trên. Nếu cứ để tình trạng tập trung bệnh nhân vào một tuyến cao thì bao giờ cũng có tình trạng tử vong. Muốn giảm tử vong phải tản bớt bệnh nhân, chứ Bệnh viện Nhi Trung ương giãn phòng bệnh ra cũng không hiệu quả", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giải pháp cơ bản và lâu dài nhất vẫn là tiêm vaccine phòng bệnh. Ngành y tế đang chỉ đạo tiêm rất nhiều đợt và chỉ định rộng rãi tiêm mũi 2, mũi 3. Lịch tiêm chủng vẫn như cũ, mũi đầu tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi. Lý do là vì trẻ dưới 9 tháng có nguy cơ tai biến nhiều, không lọc hết được những trường hợp chống chỉ định.


Tiêm vaccine sởi đầy đủ sẽ giúp bệnh nhi giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh

Trước câu hỏi Bộ Y tế có giấu dịch, Bộ trưởng Tiến cho biết, Bộ Y tế không giấu bất cứ thông tin nào, nếu giấu đã không công bố. 108 ca tử vong thì 25 ca chắc chắn tử vong do bệnh sởi, còn lại trên nền bệnh cảnh khác kèm theo như tim bẩm sinh, não úng thủy, bại não, bệnh chuyển hóa… Dù vậy, 25 ca vẫn là vấn đề đau đớn. Dịch hiện tập trung ở Hà Nội và TP.HCM, phía nam không có tử vong. Số mắc sởi của cả nước là gần 7.000 ca, thì Hà Nội chiếm 30%, số tử vong cũng chiếm 50%.

"Hà Nội có công bố dịch hay không là quyền của UBND TP Hà Nội và Sở Y tế có trách nhiệm tham mưu. Sau đó, Bộ Y tế mới có thể có ý kiến, chúng tôi không có quyền trả lời thay. Khi tôi đề cập vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói sẽ báo cáo xin ý kiến của Ủy ban", Bộ trưởng Tiến khẳng định.

Sau ba năm không có ca mắc sởi nào, dịch sởi bùng phát trở lại từ cuối năm 2013 đến nay và nhanh chóng lan rộng. Số trẻ tử vong vì sởi tăng cao được cho là có nguyên nhân vì ngành y tế chậm trễ trong việc phòng chống dịch. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, thậm chí sợ hãi trước những hậu quả do sởi gây ra và bày tỏ sự mong mỏi các cơ quan hữu trách quyết liệt dập dịch hơn nữa.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin