Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ chẩn đoán "rối loạn tiêu hóa", thai nhi tử vong

Bộ Y tế yêu cầu bệnh việc đa khoa Trung ương Cần Thơ phải phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra xử lý và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 17/3.

Thai phụ trở dạ, bác sĩ kê thuốc...tiêu hóa

Đầu tháng 3.2014, sản phụ Đoàn Thị Ca Cao (32 tuổi, ngụ xã Xà Phiên, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) mang thai 34 tuần tuổi, đau bụng có dấu hiệu sinh được gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ xin nhập viện chờ sinh.

Thế nhưng sau khi khám, siêu âm, bác sĩ tại bệnh viện này chẩn đoán sản phụ bị rối loạn tiêu hóa rồi cho toa thuốc, cho về. Trên đường về, sản phụ tiếp tục đau bụng và phải quay trở lại bệnh viện lần 2 thì thai nhi đã "ngưng thở" phải mổ "bỏ con cứu mẹ".

Anh Võ Thanh Hoàng (32 tuổi), chồng thai phụ Cao đau đớn: "Con tôi là một bé trai nặng 2,5 kg. Sau khi hoả táng, gia đình mang tro cốt gởi vào nhà chùa".

Anh Hoàng cho biết: Buổi sáng có đưa vợ lên trạm y tế xã và được hướng dẫn đưa vợ đi nhập viện chờ sinh. Khi đến khoa cấp cứu thì được hướng dẫn lên khoa sản. Đến khoa sản, bác sĩ lại hướng dẫn xuống khoa khám bệnh tại tầng trệt (khám dịch vụ, vì ngoài giờ hành chính, không khám bảo hiểm được). Anh đóng 50.000 đồng để bốc số, chờ đến lượt khám dịch vụ. Khoảng 13h30', vợ anh được đưa đi siêu âm sau khi đã đóng tiếp 54.000 đồng. Sau khi khám, có kết quả siêu âm, bác sĩ chuẩn đoán thai 34 tuần tuổi, bình thường và nói gia đình đưa sản phụ về nhà vì khoảng 1 tháng nữa mới sinh.

"Bác sĩ nói vợ tôi chỉ bị rối loại tiêu hoá, kê đơn cho gia đình mua thuốc mang về nhà uống. Người trực tiếp chẩn đoán, kê đơn thuốc cho vợ tôi là bác sĩ chuyên khoa 2 Hồng Quốc Thích. Bác sĩ Thích cho toa thuốc gồm 4 loại (FEBITO, GOLDTOMAX, SPASMAVERIN, SMECTA ) rồi kêu mua uống theo chỉ dẫn. Lúc này tôi nói vợ tôi đau bụng nhiều, có dấu sanh xin được nhập viện nhưng bác sĩ Thích không cho. Tôi đành đưa vợ trở về, lúc đó khoảng hơn 14 giờ chiều" - anh Hoàng kể tiếp.



Trên đường về nhà, chị Ca Cao vẫn đau bụng và mệt, nên anh Hoàng tấp quán cà phê ven đường nghỉ ngơi hai tiếng nhưng không bớt mệt và đau bụng nặng nên phải chở quay trở lại Cần Thơ.

Gia đình đến phòng mạch tư của một bác sĩ siêu âm. Vị bác sĩ viết giấy cho gia đình cấp tốc đưa vợ đến khoa sản bệnh viện đa khoa Trung ương. Sau khi khám, siêu âm, các bác sĩ xác định cháu bé đã chết trong bụng mẹ phải mổ lấy ra.

Làm sai rồi phủi?

Bà Phan Thị Phương Đông, phó trạm y tế xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, người đầu tiên khám cho thai phụ Cao khẳng định sau khi khám dù chưa có dấu hiệu sanh nhưng đã có cơn đau bụng.

Tiếp xúc với phóng viên, anh Võ Thanh Hoàng nhiều lần bức xúc vì bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ không có lời giải thích rõ ràng trước cái chết của con mình. Anh cho biết thêm, mặc dù chưa thừa nhận sai sót nhưng bệnh viện này rất sốt sắng miễn toàn bộ viện phí 2 triệu đồng, tiền mua thuốc hơn 1 triệu đồng và hỗ trợ 4 triệu đồng tiền mai táng em bé.

"Bệnh nhân nói có dự định mổ ở bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ nên tôi nói sắp xếp đi liền. Lên trên đó sớm nhập viện để mổ" - bà cho biết.

Trong khi đó, bác sĩ Cao Văn Nhựt - trưởng khoa sản bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ xác nhận sản phụ Đoàn Thị Ca Cao được mổ lấy thai chết 36 tuần tuổi. Sau mổ tử cung go kém và bệnh nhân được tăng co tích cực, không phải cắt tử cung. Sản phụ đến khám tại bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ hoàn toàn bình thường, siêu âm và khám chưa dấu chuyển dạ, không ra huyết. Sản phụ về nhà sau đó thấy đau bụng và trở lại nhập viện.

Theo ông này, bệnh lý bong non là một cấp cứu sản khoa tiến triển nhanh gây tử vong con và nguy hiểm cho người mẹ, nếu không chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Vì vậy, các sản phụ nên khám thai ngay khi có dấu hiệu bất thường trong thời kỳ mang thai.

Trong lúc đó, người nhà sản phụ Cao quả quyết là đã năn nỉ xin cho nhập viện chờ sinh mổ nhưng không được bác sĩ đoái hoài dẫn đến hậu quả đau lòng.

Liên quan đến việc bác sĩ chuyên khoa 2 Hồng Quốc Thích chẩn đoán sản phụ Đoàn Thị Ca Cao bị rối loạn tiêu hóa và cho toa thuốc, bác Nhựt khẳng định ông Thích là người có trình độ chuyên môn cao. Bản thân ông Nhựt và bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, người phát ngôn của bệnh viện hẹn sẽ kiểm tra lại toàn bộ quá trình tiếp nhận xử lý của ca này và có báo cáo kết quả với người nhà cùng báo chí.
Thế nhưng, cho đến nay bệnh viện vẫn im lặng chưa đưa ra bất cứ lời giải thích nào. Và cho đến nay, Bộ Y tế phải yêu cầu bệnh viện rốt ráo sự việc.

Anh Võ Thanh Hoàng và người nhà bức xúc trước sự im lặng của bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ
songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn