Bùng phát dịch đau mắt đỏ tại các tỉnh miền Bắc

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đến thời điểm này thành phố đã ghi nhận khoảng 6.000 trường hợp bị đau mắt đỏ (ĐMĐ), đặc biệt trong vòng một tuần qua, số người mắc tăng rất nhanh với trên 1.870 trường hợp.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số bệnh nhân tới khám và điều trị bệnh ĐMĐ cũng tăng rất cao, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 1.400 - 1.700 bệnh nhân, trong đó có 40% là bệnh nhân ĐMĐ.


Dịch ĐMĐ vào mùa đúng thời điểm các em học sinh tựu trường khiến dịch dễ lây lan và khó kiểm soát
Cùng với Hà Nội, một số tỉnh thành phía Bắc, số người mắc ĐMĐ cũng đang tăng nhanh và có diễn biến phức tạp trong 2 tuần đầu tháng 9. Đơn cử là Bắc Ninh với hơn 2.500 trường hợp, chưa kể những trường hợp khám, chữa tại cộng đồng. Hơn 1.500 là con số người dân đếm khám và điều trị ĐMĐ, chỉ tính riêng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Tiếp đến là Hải Phòng ghi nhận trên 700 trường hợp ĐMĐ tại Khoa Mắt, Bệnh viện Y dược tỉnh Hải Phòng. Ngay đến cả Sơn La, dịch ĐMĐ cũng đã bùng phát tại nhiều địa bàn tỉnh với hàng trăm người mắc, tập trung tại thành phố Sơn La và huyện Yên Châu.


Người dân xếp hàng chờ khám ĐMĐ tại Bệnh viện Mắt Trung ương
Như vậy, trước sự lan rộng dịch ĐMĐ tại các tỉnh thành phía Bắc, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động phòng ngừa bệnh ĐMĐ bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối; không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt... Khi phát hiện có dấu hiệu bị ĐMĐ cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Đặc biệt, để phòng tránh bệnh lây lan trong các trường học, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các nhà trường cần tập trung hơn nữa công tác vệ sinh trường, lớp, bếp ăn, khu vệ sinh, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng, vật dụng... Duy trì thực hiện vệ sinh cá nhân cho học sinh như rửa tay, rửa mặt bằng khăn riêng. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra tình hình sức khỏe học sinh và giáo viên tại trường để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, thông báo cho gia đình đưa trẻ đi khám và điều trị tại cơ sở y tế.


Công tác vệ sinh trường học là vấn đề cấp thiết để phòng tránh lây lan dịch ĐMĐ trong học đường
Các trường hợp mắc viêm kết mạc cấp, nhà trường phải có biện pháp kiểm soát, tránh để các cháu tiếp xúc trực tiếp với các bạn, phối hợp cùng phụ huynh cho con nghỉ học đến khi khỏi bệnh. Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường học phải phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát và xử lý ổ dịch theo quy định.

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết ĐMĐ là bệnh do virus, không bị lây qua nhìn nhưng lại rất dễ lây lan qua tiếp xúc, hô hấp, nước bọt, nước mắt, dịch mũi bệnh nhân; chạm vào những vật dụng hoặc sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh.

Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày, ngay trong thời gian này, virus đã có khả năng lây truyền bệnh, do đó rất khó để phòng tránh. Khi trong gia đình đã có người bị đau mắt đỏ thì những người còn lại rất khó đề phòng được, bởi bệnh lây qua các tia bọt bắn ra khi nói chuyện, hay người bệnh dụi mắt... cũng khiến cho người thân có nguy cơ bị lây bệnh rất cao.

Đặc biệt, mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Riêng bà mẹ đang cho con bú, nếu bị đau mắt thì khả năng đứa trẻ lây bệnh lên tới 90%.

Ngoài ra, có thể nhận biết sớm dấu hiệu khi mắc bệnh qua các biểu hiện: sốt, đau họng, sưng hạch ở trước tai, sau từ 5 - 7 ngày một bên mắt bị đỏ, và từ 3 - 5 ngày sau đỏ sang mắt còn lại, mắt rỉ nước, ngầu đỏ, cảm giác ngứa, cộm, sợ ánh sáng...

CTV12
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn