Khu vực phát hiện nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa. Ảnh: K. Sơn. |
Tại hội thảo đánh giá về hiện trạng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam ngày 11/4, ông Lê Kế Sơn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (Ban chỉ đạo 33)cho biết, Việt Nam có ba điểm nóng về dioxin làsân bay Phù Cát, sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa.
Trong đó, sân bay Đà Nẵng đã được Mỹ hỗ trợ xử lý dioxin bằng công nghệ hấp thụ nhiệt, dự kiến hoàn thành vào năm 2016; còn sân bay Biên Hòa và Phù Cát vẫn đang trong quá trình lựa chọn công nghệ phù hợp.
Sân bay Biên Hòa bị ô nhiễm dioxin nhiều nhất, vì đây là địa điểm được sử dụng làm nơi chứa,bơm các chất diệt cỏ lên máy bay đi phun rải trong chiến dịch Ranch Hand (1961-1971) và chiến dịch thu hồi Pacer Ivy (1971-1972).Khối lượng đất và trầm tích bị nhiễm dioxin ở đây được xác định khoảng 240.000 m khối, gấp 3 lần khối lượng dioxin phải xử lý ở sân bay Đà Nẵng và gấp hơn 30 lần sân bay Phù Cát.
Ông Sơn cho biết, hiện tại sân bay Biên Hòa đang được thử nghiệm công nghệ MCD tức là xử lý bằng hệ thống phát hủy cơ hóa. Sau các thử nghiệm, Ban chỉ đạo và các chuyên gia mới đánh giá và lựa chọn công nghệ phù hợp.
Văn phòng Ban chỉ đạo 33 đang phối hợp với Bộ Quốc phòng cùng các chuyên gia nước ngoài xây dựng kế hoạch xử lý tổng thể dioxin tại sân bay này, ước tính cần khoảng 270 triệu USD.
Bình luận của bạn