Cha mẹ cần biết điều này để cứu con khi bị hóc dị vật

Ảnh minh hoạ: Internet

Ngày 11/4/2017, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận bệnh nhi Đỗ Gia M. 8 tháng tuổi trú tại Đông Triều – Quảng Ninh, trong lúc ăn bột trẻ có nôn ra thức ăn kèm một ít máu tươi, trẻ quấy khóc nhiều. Sau khi tiến hành nội soi các bác sĩ phát hiện có 1 dị vật dài, mảnh cứng trong thực quản của trẻ. Dị vật được gắp bỏ khỏi thực quản của trẻ là 1 mảnh kim loại dài 2cm.
Dị vật mà trẻ nuốt phải
Trước đó một ngày bệnh viện cũng tiến hành nội soi gắp thành công dị vật tại dạ dày của bệnh nhi Vũ Thị Huyền Tr. 17 tháng tuổi trú tại phường Phương Nam – Thành phố Uông Bí. Trong lúc chơi đùa, bé Tr đã vô tình nuốt phải 1 chiếc chìa khóa.
Bé gái 17 tháng tuổi đã nuốt cả chiếc chìa khoá to và dài như thế này
Các bác sĩ khuyến cáo đối với các gia đình có trẻ nhỏ cần tránh cho trẻ tiếp cận gần những vật thể sắc, nhọn, các vật nhỏ để hạn chế các trường hợp hóc dị vật vào đường thở và cả đường tiêu hóa ở trẻ. Khi trẻ vô tình nuốt phải dị vật cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Cách xử trí dị vật đường thở khác nhau ở từng độ tuổi
Việc xử trí dị vật đường thở phải thực hiện thật khẩn trương nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng, do vậy lập tức thực hiện các biện pháp vỗ lưng, ép ngực hay ép bụng tùy độ tuổi.
Biện pháp vỗ lưng và ép ngực: Áp dụng đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.
Ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.
Hóc dị vật là một tai nạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 - 4 tuổi. Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai thì có đến 25% gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và 95% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở hay gặp nhất là hạt lạc, rồi đến hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì, hạt chôm chôm, hạt nhãn, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc...  
Áp dụng đối với trẻ từ 1 đến 8 tuổi.
Vỗ lưng: Người sơ cứu quỳ, cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, 1 tay đỡ ngực, 1 tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai, nếu dị vật chưa ra thì phối hợp dùng biện pháp ép bụng.
Ép bụng: Cho trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ ở phía sau trẻ, vòng 2 tay về phía trước bụng của trẻ, 1 tay người sơ cứu nắm lại như nắm đấm đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần. Nếu dị vật đường thở chưa được tống ra ngoài, cần làm xen kẽ hai biện pháp cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.
Biện pháp vỗ lưng và ép bụng: Áp dụng đối với trẻ trên 8 tuổi và người lớn.
Vỗ lưng: Cho nạn nhân đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu đứng ở một bên nạn nhân, 1 tay đỡ ngực nạn nhân, 1 tay vỗ mạnh vào lưng 5 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của nạn nhân. Nếu dị vật chưa được tống ra ngoài thì dùng biện pháp ép bụng.
Ép bụng: Như đối với trẻ từ 1-8 tuổi.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn