Vợ chồng ông Xuân, bà Diệp đau đớn trước cái chết của người con gái
Theo đơn trình bày của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Xuân và bà Trần Thị Điệp (bố, mẹ nạn nhân), ngày 10/7, chị Ngọc bị cảm cúm, sốt nên được đưa đến nhà bà Trần Thị Tâm (theo lời ông Xuân thì người này là y tá về hưu) ở cùng khối thăm khám.
Bà Tâm khuyên gia đình nên để chị Ngọc lại để truyền dịch. Tuy nhiên, sau 9 ngày điều trị, càng truyền nước pha lẫn kháng sinh, bệnh tình của thiếu nữ này càng nặng hơn. Đến lúc chị Ngọc kiệt sức không đi được nữa, bà Tâm mới cho gia đình đưa vào Bệnh viện thành phố Vinh cấp cứu.
"3 giờ sáng 18/7, khi phát hiện con mình bị phù nề, khó thở, tức ngực chúng tôi lập tức yêu cầu bà Tâm dừng việc truyền nước để đưa cháu đi bệnh viện. Số tiền điều trị tại nhà y tá này hết 1,5 triệu đồng", ông Xuân cho biết.
Tại Bệnh viện thành phố Vinh, bác sỹ chẩn đoán Ngọc bị ngộ độc thuốc kháng sinh, có nguy cơ tử vong và khuyên gia đình chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Qua thăm khám, bác sỹ kết luận, do truyền quá nhiều nước và điều trị kháng sinh không đúng với bệnh lý nên chị Ngọc bị nhiễm độc trong máu, dịch tràn phổi, tim phình to, nội tạng có dấu hiệu từ từ phân hủy.
Ngày 20/7, bệnh nhân tiếp tục được chuyển ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu. Sau 50 ngày điều trị, chị Ngọc đã không thể qua khỏi và qua đời ngày 8/9. Dù mất cả trăm triệu tiền chữa trị nhưng cuối cùng vợ chồng ông Xuân, bà Điệp cũng phải nhìn con ra đi trong đau đớn.
Ông Xuân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của con gái do tin lời "lang băm" Trần Thị Tâm cố tình để chị Ngọc ở lại nhà điều trị nhằm kiếm tiền. Điều khiến bà Điệp bức xúc là sau khi cô con gái mất, bà Tâm vẫn tỏ thái độ thờ ơ, vô cảm với cái chết của Ngọc.
"Con tôi chết oang uổng quá. Biết tin con gái tôi tử vong vì truyền dịch, thuốc kháng sinh quá liều, bà Tâm vẫn thờ ơ coi như mình không liên quan. Giờ người thì không còn nữa nhưng mong cơ quan chức năng hãy lấy lại công bằng cho con gái tôi", bà Điệp không giấu nổi nước mắt.
Ông Xuân cho hay, con ông mất được 14 ngày bà Tâm mới đến thắp hương, bà nói mình không liên quan đến cái chết của Ngọc và thách thức gia đình nạn nhân kiện.
Ở khối Yên Giang, trước đây người dân bị cảm cúm thường tìm đến nhà bà Tâm chứ không tới bệnh viện. Chỉ sau khi xảy ra cái chết oan uổng của chị Ngọc, mọi người mới lo lắng.
Ông Lê Hồng Mão, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Vinh Tân tỏ ra bất ngờ và khẳng định chưa bao giờ nghe tên một y tá nào tên là Trần Thị Tâm ở khối Yên Giang. Ở phường này cũng không có ai tên Tâm được cấp phép hành nghề chữa bệnh tại nhà. "Việc quản lý y bác sỹ trên địa bàn lâu nay được giám sát rất kỹ. Nếu đúng như phản ánh, tôi sẽ kiến nghị kiểm tra, dẹp bỏ", ông Mão cho biết.
Bình luận của bạn