Chực chờ nhiều ngày để được chữa bệnh tại bệnh viện Trung ương

Có khi phải chờ đợi cả tuần mà vẫn chưa được nhập viện

Mới đây, khi được hỏi về thủ tục khám chữa bệnh (KCB) có thuận tiện hay không và thái độ phục vụ của nhân viên y tế tại Bệnh viện (BV) K, cơ sở 3 như thế nào, nhiều bệnh nhân (BN) đã phản ánh thẳng thắn với Bộ trưởng Y tế về những phiền hà ở BV này. Nhiều người phàn nàn về thủ tục nhập viện rườm rà, mất nhiều thời gian. Thậm chí, có người phải đợi chờ tới cả tuần mà vẫn chưa được nhập viện.

Một số BN khác cũng phản ánh về việc họ không được bác sĩ giải thích cặn kẽ về các thủ tục chuyển viện, nhập viện dẫn đến việc phải chạy đi chạy lại nhiều ngày mà vẫn chưa được KCB. Bệnh viện đã tự ý vẽ thêm nhiều thủ tục trong quy trình KCB, yêu cầu người bệnh photo nhiều loại giấy tờ, trong khi không có hướng dẫn cụ thể, thái độ không thân thiện với người bệnh.

Ông Huỳnh Văn (Đống Đa – Hà Nội) vào BV Bạch Mai xếp hàng khám bệnh từ 8h sáng. Đến 10h mới được cô y tá gọi tên nhưng vẫn chưa được khám ngay mà phải đi photo giấy chuyển viện, thẻ BHYT, chứng minh thư. Hỏi photo ở đâu thì cô y tá không thèm trả lời. Cầm các giấy tờ chạy khắp BV mới tìm được chỗ photo.


Cảnh mệt mỏi chờ đợi tại nhiều bệnh viện Trung ương

Tại điểm photo đó, hàng chục BN đang xếp hàng. Mất hơn 30 phút mới photo xong, trở lại đưa cho cô y tá, cô này lại bảo chờ. Gần một tiếng xong mới được vào gặp bác sĩ. Cầm một tập các giấy xét nghiệm máu, siêu âm đến phòng xét nghiệm thì được y tá trả lời đến chiều quay lại lấy máu. “Tôi đã hơn 70 tuổi, mỗi lần cầm thẻ BHYT đi khám bệnh mà thấy cơ cực quá. Mất cả ngày xếp hàng, chờ đợi, mệt mỏi. Nhiều người ở quê ra phải mất mấy ngày làm các thủ tục mà còn chưa được nhập viện…”, ông Huỳnh Văn phàn nàn.

Biết “khổ”, “khó” mà vẫn vượt tuyến

Mặc dù người bệnh vẫn biết vượt tuyến lên bệnh viện Trung ương là sẽ phải chờ đợi hàng dài, quá tải, mệt mỏi nhưng họ vẫn sẵn sàng chấp nhận bởi lý do chữa bệnh ở bệnh viện tuyến dưới không an toàn. Bệnh chữa mà không thấy đỡ.

Cùng một loại bệnh, ở tuyến trên bao giờ cũng được sử dụng thuốc tốt hơn, số lượng nhiều hơn. Sự khác biệt về trình độ chuyên môn, sự không bình đẳng về thuốc chữa bệnh đã khiến người bệnh lặn lội về tuyến trên bất chấp những khổ cực khi bước chân vào BV tuyến Trung ương.

Ông Lê Văn Thái, Thanh Hóa bày tỏ: “Không có người dân nào muốn đi xa chữa bệnh để phải chầu chực, xếp hàng dài thế này. Biết là về tuyến trên sẽ rất cơ cực nhưng vẫn chấp nhận vì bệnh đau dạ dày chữa vài tháng ở BV huyện rồi mà không thấy đỡ, y tế ở đó yếu kém quá!”.

Theo đánh giá của các BV, BN vượt tuyến thời gian qua vẫn gia tăng. Dù phải chịu cực khổ đi đường, tốn kém thời gian, tiền bạc, nếu là bệnh nhân BHYT thì chỉ được thanh toán 30% chi phí nhưng họ vẫn vượt tuyến... Đó là điều “cực chẳng đã” song người bệnh sẵn sàng chấp nhận.





CTV2
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin