Chuyện của ông "trưởng xóm chạy thận"

Ông là Nguyễn Văn Tấn, quê ở xã Thụy Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Năm nay ông 74 tuổi và đã có thâm niên sống 11 năm ở "xóm chạy thận", ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội).

11 năm sống ở xóm này là 11 năm ông làm công việc ghi chép, thống kê số lượng bệnh nhân, làm việc với các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương, cũng như các nhà hảo tâm để lo đỡ đần phần nào cho những con người mang số khổ ở đây. Và có lẽ vì thế, ông được mọi người gọi là bác tổ trưởng hay xóm trưởng "xóm chạy thận".


Ông Tấn: "Đã mắc căn bệnh này là không hẹn ngày về".

Một ngày trung tuần tháng 1, khi không khí Tết đang tràn ngập phố phường Hà Nội, chúng tôi đã tìm đến "xóm chạy thận" để gặp ông. Trong căn phòng rộng chừng 10m2, chật ních bởi 2 chiếc giường đơn được ghép bằng mấy tấm ván nhỏ, ông đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của những con người ở đây.

Ông tâm sự rằng, "xóm chạy thận" hiện có 114 bệnh nhân đến từ khắp nơi, từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đến Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên… Mọi người về đây chủ yếu là để chạy thận, lọc máu tại 4 bệnh viện là Bạch Mai, Bưu Điện, Hòe Nhai và Đại học Y. Vì là dân tứ xứ tập trung về đây, lại toàn là người mắc bạo bệnh, sức khỏe yếu, phần lớn là gia đình làm nông nên cuộc sống vô cùng vất vả. Những người như ông còn may mắn là có đồng lương hưu, chứ nhiều người dù bệnh tật, ốm đau vẫn phải bươn chải, vẫn phải tần tảo sớm hôm để kiếm tiền chữa bệnh, tiền nhà, tiền sinh hoạt.

"Tôi là người đỡ khổ nhất ở cái xóm này vì dù sao, tôi vẫn còn có lương hưu, con cái thì đều đã trưởng thành, xây dựng gia đình cả rồi. Chứ nhiều người khổ lắm, có khi vừa rời phòng lọc máu, chạy thận xong, vết kim tiêm vẫn còn đang phải bông băng đã phải lao đi tìm việc, làm đủ nghề, đủ việc để mà kiếm ăn. May nhờ Nhà nước hỗ trợ cho 80 triệu. Mỗi bệnh nhân chỉ mất 5 triệu tiền chạy chữa một năm. Ngoài số tiền đó, hằng tháng còn phải trả tiền nhà, điện, nước, chợ búa sinh hoạt, chưa nói đến việc phải mua thuốc thang bồi dưỡng sức khỏe" - ông Tấn nói.

Vì ông là xóm trưởng lên chuyện to, chuyện nhỏ trong xóm ông đều biết cả. Và theo như những gì ông kể, chúng tôi được biết: Cách đây 11 năm, sau khi phát hiện mình bị mắc bệnh suy thận, vợ con ông đòi cắt cử người xuống chăm ông, ông một mực không chịu vì ông bảo mình còn sức khỏe, còn tự lo được, lúc nào rảnh thì xuống thăm ông cũng được. Thế là ông đã khăn gói xuống Hà Nội và ngụ cư tại "xóm chạy thận" này.

Ông Nguyễn Văn Tấn <a href=trò chuyện với PV PetroTimes.">
Ông Nguyễn Văn Tấn trò chuyện với PV

Ngày đầu mới về, thấy xóm không có ai quản lý, cũng chẳng có người đại diện để liên hệ với các cơ quan, đoàn thể chính quyền địa phương, chẳng ai nói, ông tìm đến từng nhà, hỏi tên từng người, hoàn cảnh gia đình, tình trạng bệnh tật… Rồi ông lập một bảng danh sách, mang ra phường, báo cáo với chính quyền địa phương, trước là để địa phương biết còn quản lý và sau nữa là xem các quỹ từ thiện, các quỹ an sinh xã hội có giúp được gì thì đỡ đần cho mọi người. 11 năm ở "xóm chạy thận" này là 11 năm ông làm công việc này và giờ đây, không chỉ chính quyền địa phương, mà rất nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mỗi dịp lễ, Tết, khi nghĩ đến những hoàn cảnh bất hạnh ở đây đều tìm đến ông.

Ông nói: "Nhiều khi mình cũng chẳng biết họ là ai, nhưng rồi qua người này, người khác, họ biết số của tôi nên cứ gọi. Có khi người ta gọi chỉ để hỏi thăm tình hình, cuộc sống của các bệnh nhân ở "xóm chạy thận", nhưng cũng có khi họ gọi để nhờ ông tư vấn cho những gia cảnh khó khăn nhất để mà hỗ trợ".

Nói đến chuyện hỗ trợ, ở đây, chúng tôi làm rất công tâm. Có nhà hảo tâm nói tặng quà cho những người ngoài 60 tuổi chẳng hạn, thì nhất nhất chúng tôi chỉ kê danh sách những người ngoài 60, có người thì chỉ tặng quà cho các bệnh nhân nhỏ tuổi thì tôi cũng làm như vậy, không có sự gian dối. 11 năm tôi làm việc này, chẳng có ai phải phàn nàn điều gì cả vì tên tuổi, địa chỉ… đều do mọi người tự khai.

"Tôi làm việc này cũng chỉ vì thấy mọi người ở đây khổ quá, cực quá và cũng là để cho đỡ buồn. Cuộc sống của những người ở "xóm chạy thận" là vậy, chẳng khác nào cây tầm gửi sống nhờ bác sỹ, nhờ gia đình, nhờ bà con lối xóm cả. Lại nữa, những người bệnh như chúng tôi, khi đã vào xóm này rồi, chẳng ai hy vọng có ngày về cả. Vậy nên, họ càng quý, càng tôn trọng quãng thời gian ngắn ngủi mà mình có để sống gần gũi, sống vui vẻ, đoàn kết, thương yêu nhau. Ai ốm, ai đau là xóm lại trích quỹ thăm hỏi. Ai ngã bệnh đột ngột, xóm cũng đều cử người đưa đi bệnh viện, rồi có ai đó ra đi, chúng tôi đều tổ chức viếng và cử người đưa tiễn" - ông Tấn bằng giọng buồn rầu, rưng rưng nước mắt nói.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn