Đa số thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội không đồng tình với đề nghị nâng tuổi hưu
Lo vỡ quỹ trong tương lai gần, Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.
Nâng tuổi nghỉ hưu với một số nhóm đối tượng
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, "Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh, nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2010 là 76,3%; ước năm 2013 là 76,6%".
"Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu", bà Chuyền cho biết.
Để tránh vỡ quỹ, Chính phủ đề nghị: "Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam".
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, đa số thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội không đồng tình với đề nghị nâng tuổi hưu. "Đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật lao động đó là, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Hiện nay, Bộ luật lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn" - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết.
Nâng tiền lương tháng đóng BHXH
Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, số người tham gia BHXH còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); BHXH tự nguyện mặc dù có đối tượng thuộc diện tham gia rộng, tuy nhiên trên thực tế thì số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia.
"Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động", bà Chuyền nói.
Liên quan đến quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, dự thảo luật quy định từ ngày Luật có hiệu lực đến trước ngày 01-01-2018, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ ngày 01-01-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.
Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Các vấn đề xã hội có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất: tán thành với dự thảo luật để thu hẹp dần khoảng cách giữa tiền lương tháng đóng BHXH và thu nhập thực tế của người lao động; Loại ý kiến thứ hai: đề nghị tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (Điều 90 Bộ luật lao động) được áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực.
"Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết, nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH, việc xây dựng lộ trình phù hợp sẽ đảm bảo tính khả thi của quy định này", bà Trương Thị Mai khẳng định.
Dự luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này và xem xét, thông qua vào kỳ họp sau.
Bình luận của bạn