"Cơn sốt" mua bán, sáp nhập ngành dược phẩm lan toàn cầu


Ảnh minh họa

Vào thời điểm một loạt bản quyền bào chế dược phẩm chủ chốt sắp hết hạn, các công ty dược phẩm lớn trên toàn cầu trong tuần qua liên tiếp công bố các thương vụ mua bán trị giá nhiều tỷ USD.

Điều này hứa hẹn sẽ có cả các vụ sáp nhập hay tiếp quản khổng lồ trong bối cảnh một làn sóng giao dịch đang diễn ra trong ngành dược phẩm.

Ba hãng dược phẩm lớn gồm Novartis (Thụy Sĩ), GlaxoSmithKline (Glaxo, nước Anh) và Eli Lilly (Lilly, Mỹ) ngày 22/4 đã công bố một loạt giao dịch "đình đám" trị giá tổng cộng gần 25 tỷ USD.

Theo đó Novartis củng cố mảng bào chế biệt dược điều trị ung thư với việc mua lại mảng này của Glaxo, trong khi Glaxo tăng cường phát triển mảng vắcxin sau khi mua lại hạng mục này từ tay Novartis và Lilly hứa hẹn trở thành đối thủ nặng ký hơn trong lĩnh vực thuốc thú y sau khi Novartis chuyển nhượng mảng này cho Lilly.

Novartis và Glaxo cũng công bố kế hoạch hợp tác phát triển mảng chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng như chăm sóc răng miệng, dinh dưỡngchăm sóc da, các phương thuốc cai nghiện thuốc lá và chữa bệnh đau lưng. Hai hãng sẽ tập trung phát triển tại các thị trường phát triển và mới nổi.

Cùng thời điểm này, hãng dược phẩm Valeant của Canada - hợp tác với nhà đầu tư Bill Ackman - đã công bố kế hoạch mua Allergan, nhà sản xuất thuốc Botox, với giá 45,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các thỏa thuận trên dường như bị "lu mờ" trước một thỏa thuận "tầm cỡ" hơn; đó là việc hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer (Mỹ) lên kế hoạch mua hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) với giá trên 100 tỷ USD. Pfizer cho biết hãng đã tiếp cận AstraZeneca để bàn về thỏa thuận này.

Một loạt vụ giao dịch và kế hoạch mua bán, sáp nhập kể trên trong ngành dược phẩm diễn ra trong bối các hãng dược phẩm lớn đang tìm cách bù đắp các khoản doanh thu bị mất đi khi một số bản quyền dược phẩm hết hạn cùng lúc các hãng dược phẩm cỡ vừa và các hãng chuyên sản xuất các dược phẩm cùng gốc đẩy mạnh hoạt động mua bán.

Theo hãng cung cấp dịch vụ và thông tin tài chính Dealogic có trụ sở tại nước Anh, nếu các vụ giao dịch trong tuần qua được hoàn tất, kể cả thương vụ giữa Valeant và Allergan, thì tổng giá trị các thương vụ hợp tác, mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực dược phẩm trong năm 2014 sẽ được nâng lên con số 162,1 tỷ USD.

Con số này sẽ đưa dược phẩm trở thành ngành có giá trị các hoạt động giao dịch, mua bán và sáp nhập lớn thứ hai sau ngành viễn thông.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng