Về độ tuổi kết hôn, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, đa số ý kiến tại kỳ họp 6 tán thành đề nghị hạ tuổi kết hôn của nam từ 20 tuổi như quy định hiện hành xuống bằng tuổi của nữ - từ đủ 18 tuổi.
Việc này được lý giải là nhằm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về tuổi thành niên, nguyên tắc bình đẳng giới và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ông Hà Hùng Cường – Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo luật này - cũng cho rằng dù có hạ tuổi kết hôn với nữ xuống 16 để phù hợp với thực tế phong tục một số địa phương thì cũng chỉ là hạ 1 tuổi chứ không phải hạ 2 tuổi như nhiều ý kiến phản đối. Bởi theo ông Cường, luật hiện hành quy định tuổi kết hôn là 17 tuổi + 1 (tức chỉ cần qua sinh nhật 17 tuổi một ngày) với nữ. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì đề nghị cho phép nữ kết hôn từ 16 tuổi với một số vùng sâu vùng xa, tuổi nam giới thì giữ nguyên.
Trái với các quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhận định, nếu sửa đổi tuổi để đảm bảo bình đẳng giới thì nên tăng tuổi kết hôn của nữ từ 18 lên 20 chứ không phải hạ xuống. Theo ông Lý,
phụ nữ càng kết hôn, lập gia đình sớm sẽ càng nhiều nguy cơ, thiệt thòi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, xây dựng luật phải theo xu hướng tiến bộ, tức là thực tế tuổi kết hôn ngày càng tăng, không thể có lý do gì mà hạ xuống. Không những vậy, việc hạ tuổi còn dễ "vẽ đường cho hươu chạy" cho chuyện tảo hôn.
Cũng tại phiên họp này, các thành viên UBTV Quốc hội đã bác bỏ quan điểm đề xuất, bổ sung chế định ly thân, thỏa thuận ly thân trong dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Bên cạnh đó, UBTV Quốc hội cũng nhất trí với việc bỏ quy định "cấm" kết hôn đồng giới như trong luật hiện hành.
Bình luận của bạn