Dị ứng thuốc rộ theo mùa

Theo PGS.TS Đoàn: “Bất cứ loại thuốc nào cũng có nguy cơ gây ra dị ứng và đó là tình trạng phản ứng quá mức có hại cho cơ thể người bệnh, khi dùng hoặc hoặc tiếp xúc với thuốc, do đã có giai đoạn mẫn cảm. Sở dĩ thời gian gần đây có nhiều người bị dị ứng thuốc là do thời tiết có nhiều thay đổi, mùa xuân và mùa hè thường có nhiều dịch bệnh như cúm, các bệnh truyền nhiễm… dẫn đến người dân dùng nhiều thuốc để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Vì vậy làm cho tình trạng dị ứng thuốc tăng lên cả về số lượng và mức độ bệnh. Có nhiều trường hợp bị loét da nặng, sốc phản vệ…”.


Ảnh minh họa

Theo thống kê của Trung tâm Dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Bạch Mai, từ tết đến nay có nhiều ca dị ứng thuốc nghiêm trọng, trong đó có 4 trường hợp sốc phản vệ nhưng được cấp cứu kịp thời, 6 trường hợp dị ứng gây tổn thương da nặng và 2 trường hợp không cứu được vì họ đến điều trị muộn và bị mắc cùng lúc các bệnh khác. Việc điều trị trong thời gian qua tại trung tâm cũng có kết quả tốt nhưng vì một số trường hợp bệnh nhân bị bệnh khác nặng, kết hợp với dị ứng thuốc đã dẫn đến suy đa phổi, tạng, tổn thương nhiều cơ quan và gây nguy hiểm đến tính mạng.

“Tỷ lệ dị ứng thuốc tăng lên do có liên quan liên quan đến từng mùa thay đổi trong năm. Mùa xuân, mùa hè dị ứng thuốc nhiều vì bệnh dị ứng thuốc tăng lên do sự gia tăng về sử dụng thuốc, phối hợp với bệnh mắc phải (ví dụ một người đang bị viêm mũi dị ứng, đang bị hen phế quản, đang bị nhiễm trùng thì dễ bị dị ứng thuốc hơn những người khỏe mạnh); thay đổi thời tiết (vì thay đổi thời tiết có thể gây ra nhiều bệnh như bệnh cúm, viêm mũi dị ứng, các bệnh đường hô hấp, viêm da, các bệnh nhiễm trùng về virus, vi khuẩn…); độ ẩm cao nên làm cho cơ thể con người dễ mắc bệnh hơn, phải dùng thuốc nhiều và dễ dẫn đến dị ứng hơn”, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết thêm.


"Bất cứ loại thuốc nào cũng có nguy cơ gây ra dị ứng và tình trạng dị ứng chỉ xảy ra ở 5 - 10% số ca điều trị".

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn
Khi có bất kỳ một diễn biến nào khác thường sau khi dùng thuốc hay sau khi tiếp xúc với thuốc (có thể là uống, bôi, xông, hít, tiêm, truyền, khí dung…) như các dấu hiệu khác về tim mạch, về hô hấp, tổn thương ở da, tổn thương ở đường tiêu hóa… thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được điều trị kịp thời. Còn nếu để xuất hiện những tổn thương nặng như sốc phản vệ mà không được cấp cứu kịp thời thì sẽ muộn. Và theo bác sỹ Đoàn: “Nếu bệnh nhân bị tổn thương ở da nặng, diện tích da bị tổn thương nhiều như bỏng và điều trị không đúng cách ở nhà như dùng thuốc nam, điều trị ở những cơ sở mà sự hiểu biết của họ về chuyên ngành tự miễn chưa nhiều thì sẽ dễ xảy ra những biến chứng khác như suy thận, suy gan, nhiễm trùng da… và sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị”.

Để điều trị dị ứng thuốc: Ngay trong giai đoạn cấp cứu người ta có thể cho người bệnh dùng anaphylaxis, tiêm adrenaline (epinephrine) để mở rộng đường không khí. Ngoài ra có thể dùng antihistamines và cortisone để giảm viêm nhiễm và giúp cho việc thở được dễ dàng hơn. Cũng có thể điều trị bằng cách dùng antihistamin để làm giảm các tác nhân gây phát ban, sử dụng kem cortocosteroid để giảm đau, sử dụng corticosteroid dạng viên như prednisone để giảm viêm nhiễm, phát ban và sưng.

Dị ứng thuốc tăng lên dựa vào các yếu tố: Sự dụng thuốc càng nhiều thì nguy cơ dị ứng càng nhiều; Sử dụng đúng cũng có thể gây dị ứng, sử dụng không đúng, không theo sự hướng dẫn của thầy thuốc , không có khai thác tiền sử thì dễ bị dị ứng hơn; Tình trạng lạm dụng thuốc, không đến khám bác sỹ mà tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị, mua thuốc theo đơn của người khác hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác; Thuốc được bày bán tràn làn, người dân không chỉ dùng thuốc để chữa bệnh mà còn dùng các loại thuốc bổ, thuốc tăng cường sức khỏe, vừa thấy cơ thể mệt mỏi lại thích đi truyền dịch… theo lối chưa hiểu biết cũng dẫn đến dị ứng.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin