Dịch bùng phát, tìm cách "chữa cháy" vaccine


Cần tiêm vaccine cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng

Có dịch mới vội vã đi tiêm

Cơ sở tiêm chủng vaccine của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) Hà Nội nhiều ngày nay luôn trong tình trạng quá tải. Ngay từ sáng sớm đã có hàng trăm phụ huynh đưa con nhỏ tới tiêm chủng, chủ yếu là vaccine sởi, thủy đậu, cúm, khi các dịch bệnh nguy hiểm đang có chiều hướng lan rộng, diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tại các phòng tiêm chủng khác trên địa bàn Hà Nội như 35 Trần Bình, 131 Lò Đúc Hải Phòng và ở nhiều tỉnh thành phố khác cho thấy số trẻ nhỏ được đưa tới tiêm chủng cũng tăng đột biến. Chị Nguyễn Thị Thúy (ở Trung Hòa, Hà Nội) đưa con đi tiêm vaccine tại Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế (35 Trần Bình, Hà Nội) lo lắng cho biết: “Gia đình thấy nhiều trẻ mắc sởi và thủy đậu phải vào viện chữa trị. Sợ quá nên vội cho con bé ở nhà đi tiêm vaccine. Thế nhưng khi tới đây cũng chỉ tiêm được vaccine sởi, còn vaccine thủy đậu đã hết, đợt mới chưa về kịp nên đành phải chờ ít ngày nữa”.

Qua ghi nhận của chúng tôi và phản ánh của nhiều gia đình có trẻ nhỏ, khoảng một tuần qua, phần lớn các cơ sở tiêm chủng ở Hà Nội đều không còn vaccine thủy đậu. Một số cán bộ tiêm chủng, cho biết, do lo ngại về dịch sởi và thủy đậu mà số người đi tiêm 2 loại vaccine này tăng đột biến. Tuy nhiên, do vaccine sởi là loại nằm trong Chương trình tiêm chủng quốc gia nên đầy đủ, không thiếu. Còn vaccine thủy đậu là vaccine dịch vụ, hơn nữa loại vaccine này khá đắt và nhập ngoại như vaccine Okavax của Pháp khoảng 450.000 đồng/mũi nên các cơ sở tiêm chủng đều không nhập và dự trữ quá nhiều bởi trước đó vaccine thủy đậu không có nhiều người tiêm.

Lập kế hoạch trước, không để bị động

Trước việc người dân, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ đổ xô đi tiêm vaccine ngừa sởi và thủy đậu dẫn tới tình trạng “cháy” vaccine, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm YTDP Hà Nội cho biết, hiện nay, số trẻ được các gia đình đưa đến tiêm vaccine sởi, thủy đậu tăng tới 20% so với một tháng trước đây. Chỉ riêng tại cơ sở tiêm chủng ở trung tâm, mỗi ngày có khoảng 500 trẻ tới tiêm phòng các loại vaccine, trong đó khoảng 50% số trẻ này là tiêm phòng sởi. Tuy nhiên, hiện Trung tâm YTDP Hà Nội vẫn đảm bảo đủ lượng vaccine sởi để cung cấp theo nhu cầu. Đồng thời, Hà Nội cũng đã chuẩn bị 80.000 liều vaccine sởi đảm bảo cung cấp đủ cho các điểm tiêm chủng phục vụ chiến dịch tiêm vét vaccine đợt 1 của thành phố tới ngày 10/3. Đối với vaccine thủy đậu, Trung tâm YTDP đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp cung ứng, nhập khẩu vaccine để sớm có đủ loại vaccine này phục vụ người dân.

Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, trước việc các cơ sở tiêm chủng chưa có dự trù kịp thời vaccine thủy đậu, cục đã xét duyệt khẩn cấp để Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 nhập khẩu 77.600 liều Varicella Vaccine-GCC inj. Hiện nay, số vaccine trên đã được nhập về Việt Nam và sẽ sớm được chuyển tới các cơ sở tiêm chủng. Đồng thời, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu khẩn trương tăng cường nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine để phục vụ nhu cầu phòng chống bệnh thủy đậu.

Trong khi đó, một số chuyên gia dịch tễ cho rằng, để tránh phải đối mặt với tình trạng “cháy hàng”, khan hiếm vaccine thì ngay bản thân mỗi người và những gia đình có trẻ nhỏ cần có thói quen tiêm vaccine phòng bệnh. Đáng lưu ý hãy đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế. Đừng để “nước đến chân mới nhảy”, dịch bệnh xảy ra tràn lan rồi mới vội đi tiêm chủng vaccine thì khó có thể đạt được hiệu quả phòng bệnh như mong muốn.
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn