Empty
Doc la khoe-19
Doc la khoe-03

Sau hơn thập niên, phần lớn những CEOs (chương trình đã phỏng vấn khoảng 100 CEOs) thích đọc sách và có sẵn một cuốn sách để trả lời chúng tôi, nằm trong danh sách những người “còn phát triển tốt”- tôi không có ý nào về đạo đức kinh doanh hay thành đạt kinh doanh, mà chỉ nói điểm số tích cực về sức khỏe tinh thần và thể chất của họ trên cuộc chạy đường dài gai góc của kinh doanh tại Việt Nam. Tôi nhớ, trong chương trình đó, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ (Úc) tại Việt Nam Đàm Bích Thủy (nay là Hiệu trưởng Đại học Fulbright Việt Nam), đã gợi ý cuốn: “The next one hundred years” (Một trăm năm nữa) của George Friedman, mà sau này trở nên “cuốn sách gối đầu giường” vào năm 2012 khi tôi phải nằm viện hơn nửa năm. (Không có ý quảng cáo, nhưng các bạn có thể xem lại các talk shows này trên: youtube/nha lanh dao doanh nghiep)

Trở lại lịch sử: Vào thế kỷ 11, một phụ nữ Nhật Bản tên là Murasaki Shikibu đã viết “Câu chuyện về Genji”, một câu chuyện dài 54 chương mô tả văn hóa truyền thống Nhật Bản thông qua chuyện tình hoàng gia, được cho là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Cuốn tiểu thuyết này thường được xem là “liều thuốc” chữa bệnh cho những người đọc nó.

Hơn 1.000 năm sau, mọi người trên thế giới vẫn còn mải mê với thể loại sách truyện tiểu thuyết - ngay cả trong thời đại mà những câu chuyện xuất hiện trên điện thoại thông minh và biến mất 24 giờ sau đó.

Chính xác thì con người nhận được gì từ việc đọc sách? Đó chỉ là một trong nhiều cách tạo niềm vui, hay có những lợi ích khác - “giá trị thặng dư” - ngoài việc giải trí? Câu trả lời là “Có”.

Doc la khoe-04

Ít nhất (nhưng không phải cuối cùng), đọc sách có lợi cho sức khỏe. Có thể bạn không tin, nếu bạn là người không thích đọc. Nhưng thực tế là đọc sách có lợi cho thể chất và tinh thần của con người, và những lợi ích đó có thể tồn tại suốt đời. Chúng bắt đầu từ thời thơ ấu và tiếp tục trong những năm cuối đời.

Trường hợp của Giáo sư Lee Yuan Tseh (sinh năm 1936), hiện nay là giáo sư danh dự tại Đại học Berkeley, California, Hoa Kỳ, người Đài Loan đầu tiên nhận giải thưởng Nobel hóa học vào năm 1986: Do chiến tranh thế giới thứ 2, năm 8 tuổi ông vẫn chưa đi học, và khi chạy loạn vào rừng, mẹ ông cũng thường đọc sách cho ông và sau khi chấm dứt chiến tranh, ông không những học giỏi, mà còn là một vận động viên vô địch giải bóng bàn thiếu nhi. Ông nói: Khi đi học tại Hoa Kỳ, hầu như ông chỉ đọc sách nghiên cứu vì thầy ông bao giờ cũng trả lời: “Tôi không biết, em phải tự tìm hiểu”. Ông không chắc chắn đọc sách có lợi cho sức khỏe, nhưng việc đọc sách luôn giúp ông lấy lại hưng phấn và rất thích chơi các môn thể thao.

Tỷ phú nổi tiếng thế giới Bill Gates cũng nổi tiếng là người mê đọc sách và mỗi khi đi du lịch ông đều dành nhiều thời gian đọc sách. Năm 2016, ông viết trong Blog của mình: “Tôi cảm thấy khỏe hơn khi đọc xong một cuốn sách ưa thích và sau đó, thường viết lên ý kiến của mình.” Mỗi tuần, Bill Gates đều đọc một cuốn sách mới.

Doc la khoe-05

Elon Musk, 50 tuổi, hiện nay là người giàu nhất thế giới, người vừa bỏ 44 tỷ USD để mua lại mạng xã hội Twitter, đọc 2 cuốn sách mỗi ngày. Ông nói ông chắc chắn sẽ sống đến 150 tuổi và sẽ đủ sức khỏe bay lên “thường trú” trên sao Hỏa. Bất cứ khi nào ai hỏi làm thế nào để chế tạo tên lửa, ông cũng nói, “Tôi đọc sách”. Ông không chỉ đọc chúng, theo cuộc phỏng vấn với báo Esquire, ông còn ngấu nghiến chúng. Musk thường khoe thư viện khổng lồ của ông với nhà báo. Elon Musk thời trẻ đọc sách 10 giờ mỗi ngày trước khi lớn lên trở thành CEO Tesla.

Doc la khoe-06

Nhiều tỷ phú khác cũng thích đọc sách như Arthur Blank, đồng sáng lập của Home Depot, đọc hai giờ mỗi ngày. Doanh nhân tỷ phú David Rubenstein đọc sáu cuốn sách mỗi tuần.

Đọc sách (nói chung là đọc) sẽ cho con người, ngoài kiến thức và niềm vui, thêm năng lượng vật lý, khiến cho trí não sáng dần một cách bền vững. Nói thật, với vị trí người đi học, từ tiểu học cho đến sau đại học (graduate education) tôi không thích học các bài của thầy bằng đọc sách thêm (nghiên cứu) về các môn học.

Dưới đây là lời giải thích ngắn gọn (mà tôi tham khảo từ các tài liệu khác về y khoa) về cách đọc sách có thể thay đổi bộ não - và làm cơ thể của bạn - trở nên khỏe hơn.

Doc la khoe-07

Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đọc sách thay đổi suy nghĩ của bạn theo đúng nghĩa đen.

Sử dụng quét MRI, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Clevelend Clinic, Hoa Kỳ, đã xác tín rằng việc đọc liên quan đến một mạng lưới phức tạp của các mạch và tín hiệu trong hệ thần kinh. Khi khả năng đọc và sở thích tăng lên, những mạng lưới đó cũng trở nên mạnh mẽ và các tín hiệu trong não phong phú hơn.

Cố tỷ phú Patrick McGovern, Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) Việt Nam, đã thành lập Viện Nghiên cứu bộ não người vào năm 2000. Trong cuộc phỏng vấn với tôi (cũng trên chương trình “Nhà lãnh đạo doanh nghiệp” mà tôi nhắc trên đây, phát trên truyền hình FBNC ngày 26/6/2009), ông hy vọng viện nghiên cứu của ông sẽ thành công trong hướng tìm ra cách làm bộ não khỏe hơn, trong đó có việc đọc sách và nghe nhạc. Tháng 4/2022, các nhà nghiên cứu tại đây cho đăng bài báo khoa học công bố họ tìm thấy bộ não người có hai vùng neuron khác nhau về âm nhạc và ngôn ngữ (đọc). Như vậy, nghe nhạc và đọc sách là cách giúp hai vùng não được “tập thể dục” thường xuyên hơn, sẽ mạnh khỏe hơn.

Doc la khoe-08

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2013, các nhà nghiên cứu sử dụng hình ảnh quét MRI chức năng để đo tác động của việc đọc một cuốn tiểu thuyết đối với não bộ. Những người tham gia nghiên cứu đã đọc cuốn tiểu thuyết “Pompeii”* trong khoảng thời gian 9 ngày. Khi đọc đến những trang mô tả xung đột và căng thẳng trong câu chuyện, thì vùng não hoạt động càng sáng lên.

Doc la khoe-09

Kết quả quét não cho thấy trong suốt thời gian đọc và nhiều ngày sau đó, khả năng kết nối của não tăng lên, đặc biệt là ở vỏ não, phần não phản ứng với các cảm giác vật lý như cử động và đau đớn.

Doc la khoe-10
Doc la khoe-11

Các bác sỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Cleveland Clinic (Hoa Kỳ) khuyến cáo rằng cha mẹ nên đọc sách (đọc thành tiếng lớn) cùng con ngay từ khi chúng còn nhỏ và tiếp tục cho đến hết các năm tiểu học. Mẹ tôi - một bà mẹ quê - luôn đọc to (reading aloud) cho các con những chuyện thơ nói về hiếu nghĩa, chung thủy, tình yêu trong gia đình (như những chuyện thơ mà tôi còn nhớ: “Phạm Công Cúc Hoa”, “Lưu Bình Dương Lễ”…, thậm chí chuyện ngôn tình như “Đồi thông hai mộ” mà bà đã mua ngoài chợ quê). Hầu như các con của bà, dù trải qua chiến tranh, chia cắt, nghèo đói nhưng tất cả đều sống tử tế, và có sức khỏe tốt, theo nghĩa chung nhất của từ này.

Đọc sách cùng con, giúp bạn xây dựng mối liên hệ ấm áp và vui vẻ với sách, tăng khả năng và ham mê đọc sách khi trẻ lớn lên. Phu nhân của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong cuốn sách về kinh nghiệm dạy con, bà luôn đề cao vai trò đọc sách cùng con vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Bà cho rằng “không nên chìu chuộng con bằng cách cho chúng nhiều giờ rảnh, mà phải bắt chúng làm việc với sách càng nhiều càng tốt”. Thời gian cho đọc sách mỗi ngày của các con bà cũng ít nhất bằng một nửa với thời gian của các môn thể dục.

Bà cho rằng: Đọc sách ở nhà giúp tăng cường hiệu quả học tập ở trường sau này. Nó cũng làm tăng vốn từ vựng, nâng cao lòng tự trọng, xây dựng kỹ năng giao tiếp tốt và củng cố bộ não con trẻ.

Doc la khoe-12

Liên quan đến cảm nhận nỗi đau, các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng những người đọc tiểu thuyết văn học - những câu chuyện khám phá cuộc sống nội tâm của các nhân vật - cho thấy khả năng hiểu cảm xúc và niềm tin của người khác rất cao. Các nhà nghiên cứu gọi khả năng này là “lý thuyết của tâm trí”, một tập hợp các kỹ năng cần thiết để xây dựng, điều hướng và duy trì các mối quan hệ xã hội.

Mặc dù một buổi đọc tiểu thuyết văn học không có khả năng khơi dậy cảm giác này, nhưng các nghiên cứu của Đại học Y Stanford cho thấy rằng những người đọc tiểu thuyết văn học lại có xu hướng tư duy lý thuyết tốt hơn. Tôi đã phối kiểm điều này, khi thấy nhà kinh tế Pháp có ảnh hưởng hiện nay là Thomas Piketty đã trích dẫn khá nhiều tiểu thuyết kinh điển trong các cuốn sách kinh tế của ông như cuốn “Tư bản và ý thức hệ” và “Tư bản trong thế kỷ 21” (Ở Việt Nam chưa có các bản dịch chính thống của cả hai cuốn sách này).

Trẻ con đang lớn thường tưởng tượng rất phong phú, và chúng thấy mình hóa thân trong các nhân vật lý tưởng (thần tượng) trong các sách truyện (ở đây chúng tôi không đề cập đến phim ảnh). Gần đây, tôi thấy các thầy cô giáo trung học, đã cho các em học sinh đóng các nhân vật trong các cuốn sách văn trong chương trình học. Hy vọng điều này, không chỉ giúp tăng ham mê đọc sách, mà còn giúp tăng các đề kháng khác trong cơ thể đang phát triển của các em.

Tất nhiên, không nên đọc sách một cách thụ động, mà phải suy nghĩ sáng tạo và phản biện những gì đã đọc. Nhà vật lý lừng danh Albert Einstein từng nói: “Đọc sách, sau một độ tuổi nhất định, sẽ làm đầu óc ít sáng tạo. Bất kỳ người nào đọc quá nhiều và sử dụng trí não của mình quá ít sẽ rơi vào thói quen lười suy nghĩ”.

Doc la khoe-13

Einstein có một thư viện lớn và là một người ham đọc sách. Nhà vật lý nổi tiếng thừa nhận rằng một số cuốn sách đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông. Những cuốn sách mà ông ưa thích hầu hết đều về triết học và khoa học. Nhưng ông không phải là một “con mọt sách”. Điều này tất nhiên vì khi mới 15 tuổi ông đã đọc nhiều sách hơn những người Mỹ bình thường đọc cả đời.

Một cuộc thăm dò năm 2019 do Cengage Group* thực hiện cho thấy 69% nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những người có kỹ năng “mềm”, như khả năng giao tiếp hiệu quả. Đọc sách là cách tốt nhất để bạn tiếp xúc với những từ mới, được học trong ngữ cảnh.

Doc la khoe-14
Doc la khoe-15

Viện Quốc gia về người già ở Mỹ khuyên người cao tuổi nên đọc sách như một cách giúp đầu óc của họ luôn được gắn kết với các thế hệ trẻ hơn.

Mặc dù nghiên cứu chưa chứng minh một cách chắc chắn rằng đọc sách ngăn ngừa các bệnh như mất trí nhớ (Alzheimer), nhưng các nghiên cứu cho thấy những người cao niên đọc và giải các bài toán mỗi ngày sẽ duy trì và cải thiện chức năng nhận thức của họ. Giáo sư triết nổi tiếng Nguyễn Khắc Dương (anh ruột của cố bác sỹ Nguyễn Khắc Viện), nay đã 97, vẫn còn sống khỏe tại một tu viện ở Bình Thuận, và ông có thể nhớ tên học trò cũ khi họ đến thăm. Ông vẫn đọc sách mỗi ngày.

Một nghiên cứu năm 2013 được thực hiện bởi Trung tâm Y tế Đại học Rush cho thấy những người tham gia vào các hoạt động kích thích tinh thần cả đời ít có khả năng phát triển các tổn thương và đốm tối trong não của những người bị sa sút trí tuệ.

Năm 2009, một nhóm các nhà nghiên cứu đã đo lường tác động của yoga, hài hước và đọc sách đối với mức độ căng thẳng của sinh viên trong các chương trình khoa học sức khỏe bắt buộc ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu cho thấy rằng 30 phút đọc sách làm giảm huyết áp, nhịp tim và giảm cảm giác đau khổ về tâm lý, cũng hiệu quả như yoga và hài hước.

Các bác sỹ cũng thường khuyên bạn nên đọc vài trang sách nhẹ nhàng trước khi ngủ. Để có kết quả tốt nhất, bạn có thể muốn chọn một cuốn sách in hơn là đọc trên màn hình, vì ánh sáng phát ra từ thiết bị của bạn có thể khiến bạn tỉnh táo và làm bạn khó đi vào giấc ngủ.

Nhà triết học người Anh, Sir Roger Scruton đã từng viết, "Sự an ủi từ những điều tưởng tượng không phải là sự an ủi tưởng tượng." Những người bị trầm cảm thường cảm thấy bị cô lập và ghẻ lạnh với mọi người. Đọc sách giúp giảm bớt cảm giác đó. Đọc tiểu thuyết có thể cho phép bạn tạm thời thoát khỏi thế giới của riêng mình và bị cuốn vào những trải nghiệm tưởng tượng của các nhân vật. Và những cuốn sách tự giúp đỡ phi hư cấu có thể dạy bạn các chiến lược có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng. Đó là lý do tại sao Dịch vụ Y tế Quốc gia của Vương quốc Anh đã bắt đầu chương trình Reading Well, nơi các chuyên gia y tế kê đơn thuốc bằng liệt kê các tựa sách mà một số người bệnh nên đọc. Nghiên cứu cũng kết luận rằng những người đọc hơn 3 tiếng rưỡi mỗi tuần có 23% khả năng sống lâu hơn những người hoàn toàn không đọc gì.

Doc la khoe-16

Một nghiên cứu của Viện Pew (Hoa kỳ) đầu năm 2022 cho thấy “trẻ em đọc nhiều hơn người lớn, phụ nữ đọc nhiều hơn nam giới, những người có học cao đọc nhiều hơn những người ít học, thành viên của các hộ gia đình có thu nhập cao hơn đọc nhiều hơn thành viên của những hộ gia đình có thu nhập thấp hơn và những người dân thành thị đọc nhiều hơn những người ngoại thành hoặc cư dân nông thôn”. Tôi nghĩ tình trạng này là phổ quát trên toàn thế giới, kể cả ở Việt Nam chúng ta.

Tuy nhiên, nếu bạn không còn trẻ nữa (như nhóm bạn “cổ lai hy” của tôi) cũng không quá muộn để bắt đầu tận dụng nhiều lợi ích về thể chất và tâm lý đang chờ bạn trong những trang sách hay. Ở Việt Nam hiện nay có một giải thưởng “Sách hay” hàng năm (không phải của các tổ chức nhà nước), tất nhiên tiêu chí chọn sách của giải thưởng này hơi bác học, nên phải nói thật, là ít phổ biến. Đành chịu thôi, vì ngay cả sách của giải Nobel văn học hàng năm, cũng có thể không phải là cuốn sách hay với ai đó.

Nhà ngôn ngữ học và nhà văn người Anh Samuel Johnson (1709-1784) đã viết "Mục đích duy nhất của việc viết là giúp người đọc có thể hưởng thụ, hoặc chịu đựng cuộc sống tốt hơn."

Theo tôi là cả hai yếu tố - tận hưởng và chịu đựng - luôn được kết nối với nhau. Từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, chúng ta không thể hình dung hết thời gian mà chúng ta mạnh khỏe và đau yếu, miễn là chúng ta biết cách vượt qua.

Doc la khoe-17
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa