Ghép phổi sau khi bị xơ hóa phổi

Nghe nói khi mắc bệnh xơ hóa phổi chỉ có cách duy nhất là thay phổi mới có thể cứu được bệnh nhân? Xin cho biết bệnh xơ hóa phổi xảy ra như thế nào.

(Lê Thành Ni - TP.HCM)

Cấu tạo nhỏ nhất của phổi là các túi khí hay còn gọi là phế nang, phế nang là nơi chứa không khí để trao đổi khí với mạch máu. Vách giữa phế nang và mao mạch có vai trò quan trọng trong trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường bên ngoài, oxy từ phế nang sẽ vào lòng mạch máu và carbonic đi từ mạch máu vào lòng phế nang thải ra ngoài. Vách này cấu tạo bởi hai lá bào tương mỏng: một của phế nang, một của mao mạch cùng với các tế bào biểu mô phế nang và tế bào nội mô mao mạch. Vùng giữa của màng phế nang - mao mạch là khoảng kẽ.

Ghép phổi sau khi bị xơ hóa phổi

 

Trong bệnh xơ phổi có sự dày lên của vách phế nang - mao mạch (khoảng kẽ), ban đầu có sự xâm nhập của các lympho bào và tương bào, sau đó là các tế bào xơ và cuối cùng là sự dày đặc của sợi collagen. Hậu quả là các phế nang và phế quản nhỏ thay đổi cấu trúc, nhu mô phổi mất tính đàn hồi, xuất hiện các nang nhỏ hình thành từ tiểu phế quản (tạo thành phổi hình tổ ong). Khi bị bệnh xơ hóa phổi thì phải điều trị nguyên nhân, không phải đặt ra đầu tiên là thay phổi. Vấn đề ghép phổi (thay phổi) cũng được đề cập ở một số trường hợp xơ phổi lan tỏa kháng trị với điều trị nội khoa, tần suất sống khi thay phổi sau 1 năm là 74%, 58% sau 3 năm, 47% sau 5 năm, 24% sau 10 năm. Trong tương lai có thể có hai cách thức mới được ứng dụng để điều trị bệnh xơ hóa phổi lan tỏa, đầu tiên là điều trị bằng các chất ức chế tổn thương tế bào biểu mô hay sửa chữa, các thuốc kháng cytokine và ức chế sinh các tế bào sợi; phương thức thứ hai đang được mong đợi dựa trên cơ chế phân tử của tạo fibrogen bằng cách tác động lên gen (được tin tưởng có hiệu quả nhất).

Bs.CkII. Đặng Minh Trí

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị