Giám đốc BV Bạch Mai: Phải làm gì để bảo vệ nhân viên y tế?

Bệnh viện Bạch Mai - Nơi thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu đặc biệt

Thực trạng này cho thấy: Cần có một quy chế đặc thù cho các khu vực điểm nóng về an ninh bệnh viện như khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, cần bố trí các lực lượng an ninh chuyên trách tại các vị trí này.

PGS-TS. Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai có bài viết chia sẻ về những trăn trở cũng như các biện pháp giảm thiểu bạo hành trong bệnh viện.

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - GĐ Bệnh viện Bạch Mai (ảnh: Internet)

Thời gian qua, các vấn đề và các câu chuyện về bạo hành được các phương tiện thông tin nói đến và đưa tin hàng ngày. Cho dù bạo hành dưới bất kỳ hình thức nào, đều mang lại hậu quả xấu cho xã hội, làm tổn thương đến cơ thể, tình cảm, tâm lý, sự tiến bộ của con người. 

Đặc biệt, trong những năm qua, trong khi ngành y tế luôn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như dịch bệnh nguy hiểm liên tục bùng phát, nhiều bệnh lạ xuất hiện,… 

Trong khi đó, các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, phương tiện, nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật mặc dù đã được Đảng, nhà nước quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ nhưng vẫn còn hạn chế, các tai biến y khoa luôn có nguy cơ xảy ra. 

Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng với tinh thần của người chiến sỹ áo trắng trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, toàn thể cán bộ, viên chức, nhân viên y tế luôn nỗ lực hết mình trong công tác, quyết tâm phấn đấu xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "Lương y phải như từ mẫu". 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình mất an ninh trật tự tại các cơ sở y tế lại diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt, vấn nạn nhân viên y tế bị bạo hành trong Bệnh viện đang có xu hướng gia tăng, xảy ra ở nhiều cơ sở y tế, với mức độ bạo hành ngày càng có khuynh hướng táo tợn và nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí là cả sinh mạng của nhân viên y tế.

Điển hình là vụ việc rạng sáng ngày 25/7, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh Bạch Mai, người nhà bệnh nhân đã đuổi đánh 3 bác sĩ và điều dưỡng khám chữa bệnh, trong đó có 1 điều dưỡng đang mang thai sắp đến ngày sinh. 

Trước đó, ngày 2/3/2011, cũng tại Khoa Cấp cứu đã xảy ra vụ hành hung, đạp vào bụng khiến bác sỹ ngất tại chỗ. Đêm 2/3/2011 đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh “kinh hoàng” đối với tua trực ngày hôm đó.

Trước đó, cũng rất nhiều vụ việc cán bộ y tế ở nhiều các bệnh viện trong cả nước bị lăng mạ, hành hung, đe dọa tính mạng như ở BV huyện Vũ Thư (Thái Bình), BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, BV sản nhi Cà Mau, BV huyện Năm Căn (Cà Mau), BV Kinh Bắc (Bắc Ninh). 

Những vụ việc nói trên chỉ là một phần của tảng băng chìm trong bức tranh về sự gia tăng nạn bạo hành trong Bệnh viện. Thực trạng đó dường như chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục triệt để. Bên cạnh đó, nạn trộm cắp, lừa đảo, cò mồi, giả danh nhân viên y tế, bắt cóc, gây rối, đập phá tài sản của các cơ sở y tế cũng đang tồn tại….

Tình trạng đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế và gây tâm lý hoang mang lo lắng đối với cán bộ y tế. Sự bất ổn về tình hình an ninh, trật tự trong bệnh viện cũng khiến người bệnh có cảm giác bất an, ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả điều trị. Tình trạng mất an ninh, trật tự trong khu vực bệnh viện thực sự đã trở thành một vấn nạn nhức nhối của xã hội, nó làm tổn thương nghiêm trọng cả nhiều phía: xã hội, cán bộ y tế và người bệnh...

Bạo hành trong Bệnh viện chủ yếu xảy ra trong những khu vực tập trung đông người bệnh đến như: Khu cấp cứu nội, ngoại, khoa Khám bệnh... Bản chất của bệnh viện là phục vụ cho sự công bằng xã hội, do vậy, tất cả các đối tượng trong xã hội đều được đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, đặc biệt các Bệnh viện tuyến trung ương, nên dẫn đến tình trạng quá tải, khiến các y bác sĩ chịu nhiều áp lực trong công việc.

Lý giải hành vi hành hung nhân viên y tế có thể nói do trạng thái bức xúc trong tâm lý của người bệnh và người nhà người bệnh. Tình trạng chung của người bệnh là bức xúc nên ảnh hưởng đến hành vi của người bệnh. 

Trong tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên như hiện nay cộng hưởng với tâm thế bức xúc tiềm tàng trong cảm xúc của một bộ phận dân chúng thì mâu thuẫn giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ có lẽ sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.

Phải làm gì để bảo vệ nhân viên y tế?

1. Phòng chống bạo hành trong Bệnh viện phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính; cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về y tế, để người dân hiểu sâu hơn nữa về quy trình cũng như thủ tục khám chữa bệnh cho nhân dân.

2. Cần có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ và đồng bộ về vấn đề này. Trong các văn bản pháp quy, cần quy định rõ về vấn đề an ninh, trật tự trong khu vực bệnh viện, về vấn đề bảo vệ tài sản bệnh viện, vấn đề an toàn tính mạng, sức khỏe của cán bộ y tế.

3. Cần chú trọng việc phổ biến, giáo dục nhân viên y tế về nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh và kỹ năng phát hiện, xử lý các tình huống mất an ninh xảy ra.

4. Bệnh viện cần phối hợp với cơ quan công an địa phương xây dựng quy chế phối hợp giữa bệnh viện và công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện; hạn chế người nhà người bệnh vào các khu vực khám chữa bệnh chuyên biệt của bệnh viện.

5. Cần có một quy chế đặc thù cho các khu vực điểm nóng về an ninh bệnh viện như khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, cần bố trí các lực lượng an ninh chuyên trách tại các vị trí này.

6. Bệnh viện liên tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần thái độ và chất lượng trong khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh cũng như tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng... 

Song song với việc cải cách thủ tục hành chính, quy trình tiếp đón người bệnh, Bệnh viện phải rà soát và củng cố toàn bộ khuôn viên, tường rào bệnh viện, kiểm soát các lối ra, vào của bệnh viện; xem xét lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống báo động khẩn cấp, trang bị khóa từ ở các khoa có nguy cơ mất an ninh cao như khu vực khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực và một số khoa, phòng khác trong bệnh viện. 

Bên cạnh đó, cần phân công đủ nhân viên bảo vệ trực thường xuyên 24/24h; đào tạo nghiệp vụ bảo vệ và phản ứng nhanh cho lực lượng bảo vệ bệnh viện, sẵn sàng đối phó với các sự cố bất thường xảy ra. 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn