Theo đó, UBND thành phố kiến nghị Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài của 26 đường, phố tại 9 quận huyện, trong đó đặt tên 19 đường, phố mang tên địa danh, 1 phố mang tên di tích lịch sử văn hoá, 4 đường phố mang tên danh nhân và 2 phố điều chỉnh kéo dài.
Trong số đó, có đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên địa bàn hai huyện Đông Anh, Sóc Sơn thuộc đoạn đường từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, chiều dài 12 km, rộng 70 – 100m.
Cùng với đó, là một số tuyến phố mang tên danh nhân, như đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) đặt cho đoạn từ cầu Nhật Tân đi qua Tây Hồ Tây (Bưởi) đến giao cắt với Hoàng Quốc Việt, sông Tô Lịch. Tuyến đường này dự kiến dài 4,5km, rộng 57,5 - 64,5 m.
Đường Võ Văn Kiệt, nằm trên địa bàn Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn, tương ứng với đoạn từ sân bay Nội Bài đến cầu Thăng Long, dự kiến dài 12 km, rộng 23 m.
Phối cảnh tuyến đường từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài |
Theo đề xuất của UBND thành phố, đối với hai tuyến đường Võ Chí Công và Võ Nguyên Giáp, thành phố sẽ tổ chức gắn biển khi công trình hoàn thành. Dự kiến, nghị quyết về đặt tên và điều chỉnh độ dài các tuyến phố sẽ được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp đầu tháng 7 tới.
Trước đó vào tháng 1/2014, UBND TP đã chỉ đạo Sở VHTT&DL lấy ý kiến các quận, huyện về danh sách các công trình công cộng, tuyến đường phố mới cần đặt tên.
Thế nhưng, qua nhiều cuộc họp HN vẫn không quyết được con đường nào sẽ mang tên Đại tướng. Ngày 26/10, ông Phan Đăng Long cho rằng, người dân rất quan tâm đến việc Hà Nội có trình HĐND Thành phố việc đặt tên đường phố Võ Nguyên Giáp. Cũng có nhiều ý kiến so sánh Hà Nội với một số địa phương khác đã có dự án đặt tên đường mang tên Đại tướng. Ví dụ như Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo ông Long - thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội, đặt tên đường phố đối với danh nhân, nhất là danh nhân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải thận trọng.
Ông nói: “Hiện nay, Hà Nội chưa có đường phố nào có thể sử dụng để đặt tên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách xứng đáng.”
Trong khi đó, tại Lào Cai, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã biểu quyết chọn con đường nằm dọc bờ sông Hồng, nối liền khu vực phía Bắc với phía Nam thành phố Lào Cai mang tên Võ Nguyên Giáp. Con đường này được người dân gọi là đường D1 (nằm ở khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường) dài hơn 10km, rộng 27m, được coi là đẹp nhất trong số gần 200 đường phố của tỉnh.
Tại Quảng Bình, tuyến đường chạy dọc ven biển xã Bảo Ninh có chiều dài 7km, mặt đường rộng 60m, đã được đầu tư xây dựng 4km với 4 làn đường, 3 con lươn phân cách được chọn mang tên Người. Trong tương lai, tuyến đường này sẽ nối TP Đồng Hới với huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tại TP Cần Thơ, tuyến đường mang tên Đại tướng có chiều dài 7,6km, nằm trên địa bàn quận Cái Răng, nối trung tâm TP Cần Thơ với quận Cái Răng và các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Tỉnh Hậu Giang đã đổi đại lộ Hậu Giang có tổng chiều dài 4.720m thành đại lộ Võ Nguyên Giáp để tưởng nhớ Đại tướng.
Tại TP Đà Nẵng, đoạn đường ven biển từ Nguyễn Huy Chương đến đường Minh Mạng, trục đường nối giữa đường Hoàng Sa và Trường Sa mang ý nghĩa khơi dậy chủ quyền biển đảo được chọn mang tên Đại tướng. Con đường này có tổng chiều dài hơn 7km, có 2 làn đường, mỗi chiều rộng 15m được đánh giá là một trong những tuyến đường sạch và đẹp nhất TP Đà Nẵng.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo dự kiến thì tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài từ giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng, quận 1, đến chân cầu Rạch Chiếc, quận 2, thuộc xa lộ Hà Nội mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tuyến đường là cửa ngõ phía Bắc dẫn vào TP HCM sẽ có chiều dài hơn 7,1km với thiết kế hạ tầng hiện đại, gồm 10 làn xe, hai bên có nhiều cảnh quan hiện đại.
Bình luận của bạn