Hà Nội: "Khởi động" lắp dầm cầu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Các trụ cầu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (ảnh minh họa: Quang Phong)
Các trụ cầu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (ảnh minh họa: Quang Phong)

Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ di chuyển cẩu Pooctic từ khu đô thị Duoqng Nội đến để lao lắp dầm trên đường Quang Trung (Hà Đông). Loại cẩu Pooctic nặng 165 tấn, cao 26m, rộng 12m. Di chuyển theo lộ trình: Đường trục phía Bắc quận Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Quang Trung và dừng đỗ thực hiện công tác lao lắp dầm đường sắt trên cao.

Thời gian lao lắp dầm đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông từ ngày 3/4 đến 3/7, việc vận chuyển dầm phục vụ công tác lao lắp sẽ diễn ra vào ban đêm, từ 20h đến 5h sáng hàng ngày.

Phương án phân luồng tổ chức giao thông khi thực hiện lao lắp các nhịp dầm đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội triển khai. Theo đó, các phương tiện vận tải, cầu lắp sẽ chiếm dụng một phía các đoạn lòng đường Quang Trung, khi lắp đặt các phiến dầm phía trái tuyến đường tổ chức giao thông cho các phương tiện đi hai chiều trên chiefu đường còn lại.

Để đảm bảo an toàn giao thông, phải đặt hàng rào di động, phong tỏa các đoạn đường, lắp đèn cảnh báo, hướng dẫn và tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện qua nút khi lao lắp. Nhà thầu sẽ bố trí người phối hợp với các lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông để hướng dẫn, phân luồng giao thông và huy động đầy đủ nhân lực, hàng rào di động, biển báo hướng dẫn phân luồng, chỉ dẫn giao thông, đèn tín hiệu cảnh báo.

Cùng với công tác đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và nhà thầu phải vệ sinh công trường trước 5h sáng.

Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư của dự án là 8.770 tỷ đồng (tương đương gần 553 triệu USD); trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD); vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng. Dự án được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý Dự án Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư.

Tổng chiều dài của dự án là 13,08 km, đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của TP Hà Nội. Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.

Dự kiến, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng vào năm 2015.

Cũng trong thời gian này, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cũng sẽ xây dựng trụ cầu ga số 5. Vì thế, tại nút giao thông Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ sẽ thiết lập rào chắn mở rộng dải phân cách giữa đường Hồ Tùng Mậu. Tổng chiều dài là 142m, rộng 16 đoạn vuốt dài 8m mỗi đầu, chiều rộng mặt đường còn lại mỗi chiều đường tối thiểu là 9,5m.

Trên đoạn tuyến từ nút giao thông Mai Dịch đến nút giao thông Nguyễn Cơ Thạch - Hồ Tùng Mậu, từ 6h đến 20h hàng ngày sẽ cấm xe chở khách từ 16 chỗ trở lên (trừ xe buýt, xe có hợp đồng đưa đón cán bộ công nhân, học sinh, xe khách chạy tuyến cố định).

Các phương tiện có nhu cầu lưu thông từ nút Mai Dịch đi đến nút Nguyễn Cơ Thạch - Hồ Tùng Mậu và ngược lại di chuyển theo hướng: Phạm Hùng - Mễ Trì - Lê Quang Đạo - Lê Đức Thọ - Trần Hữu Dực - Nguyễn Cơ Thạch.

Thời gian bố trí biển báo phân luồng phục vụ thi công trụ cầu ga số 5 thực hiện từ ngày 5/4 đến 5/7.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội