Hộ gia đình cũng tham gia bảo hiểm y tế

Hộ gia đình cũng tham gia bảo hiểm y tế 1
Nhiều điểm mớitrong thực hiện BHYT

Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố nhiều đạo luật và nghị quyết quan trọng gồm: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch; Luật Công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Đầu tư công; Luật Phá sản; Luật Hải quan; Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay…

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày hàng loạt điểm mới so với Luật cũ. Theo đó, điểm mới có tính đột phá trong luật lần này là sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Bổ sung khái niệm “Hộ gia đình tham gia BHYT” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả”. Quy định giảm dần mức đóng bảo hiểm y tế khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT, cụ thể: người thứ nhất đóng bằng mức quy định, người thứ 2, 3, 4 đóng lần lượt bằng 70 - 60 - 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, quy định Quỹ BHYT thanh toán cả trong trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ em đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp đã đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó. Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Theo Vụ BHYT (Bộ Y tế) trong năm số tiền cùng chi trả có thể 1 lần, 2 lần lớn hơn khoảng 7 triệu đồng/năm thì những lần sau người bệnh được Quỹ BHYT chi trả 100%. Vấn đề đặt ra là giám sát, thống kê số tiền cùng chi trả trong một năm của người bệnh để có cơ sở áp dụng quy định này.

Mở thông tuyến khám chữa bệnh

Cùng đó, mở thông tuyến khám chữa bệnh là quy định mới của Luật BHYT, không phải chuyển tuyến như qui định cũ. Luật quy định rõ từ 1/1/2016 mở thông tuyến huyện, xã trong địa bàn. Người bệnh đăng ký khám trên địa bàn xã thì có thẻ khám bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào trên cùng địa bàn huyện đó, không bị ràng buộc như trước đây nữa. Tuyến tỉnh, Trung ương mở thông tuyến đối với nhóm đối tượng người nghèo, kinh tế khó khăn, đang sinh sống ở xã đảo, huyện đảo, được tự đi khám chữa bệnh từ xã - Trung ương và được thanh toán 100% theo quyền lợi.

Luật mới cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý: Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của Quỹ BHYT. Đồng thời phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.


Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn