Điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ?

Con tôi 7 tuổi, từ nhỏ cháu hay bị ho, sốt, lần nào đi khám bác sĩ cũng nói bị viêm phế quản cấp, kê đơn kháng sinh về điều trị. Xin quí báo tư vấn cách nào để điều trị dứt bệnh này.

Lại Thị Liên (Hải Dương)

Viêm phế quản cấp tính còn được gọi là viêm khí – phế quản cấp vì trong bệnh này không chỉ phế quản bị viêm nhiễm mà thường cả đường hô hấp trên, cả khí quản cũng bị tổn thương. Nguyên nhân là do virut, vi khuẩn gây ra. Ở một số trẻ tỏ ra nhạy cảm hơn đối với viêm phế quản cấp so với trẻ khác, có thể do các yếu tố thể tạng, dị ứng, sức khỏe kém, khí hậu ,không khí ô nhiễm hoặc các bệnh nhiễm khuẩn mạn tính đường hô hấp trên đặc biệt là viêm xoang.


Biểu hiện bệnh nhân ho, lúc đầu ít, sau tăng dần. Ho khan, không có đờm, khi ho có thể quặn đau vùng xương ức và thượng vị , sốt không cao (khoảng 38,5oC) ,có thể không sốt. Sau 1-2 ngày ho sẽ có đờm. Đờm lúc đầu loãng sau trở nên đặc, có thể có lẫn mủ. Ở trẻ nhỏ có thể có nôn. Khi ho dầy, dài,có thể có cảm giác nghẹt, khó thở.Thường khoảng sau 5-7 ngày cơn ho thưa dần, đờm loãng rồi hết dần. Toàn trạng ít mệt nhưng cũng có thể mệt kéo dài hàng tuần sau khi các triệu chứng cấp tính mất đi. Ngoài ra bệnh nhân có thể có biểu hiện của viêm mũi họng, viêm màng tiếp hợp mắt. Ở những trẻ ốm yếu, suy dinh dưỡng có thể có những biến chứng như viêm phổi,viêm tai giữa...

Về điều trị: Nếu bệnh có thể điều trị và theo dõi tại nhà bằng các thuốc ho, thuốc long đờm, kháng sinh... theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý, tránh bầu không khí ô nhiễm, chăm sóc dinh dưỡng tốt để tăng cường thể lực giúp trẻ có sức đề kháng với bệnh tật... Những trường hợp viêm phế quản nặng, viêm phế quản có biến chứng hoặc bệnh hay tái phát cũng cần khám và điều trị tại viện để loại trừ bệnh lao, dị ứng, giãn phế quản... tùy theo bệnh mà dùng thuốc thích hợp .

ThS. Nguyễn Kiên Cường

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị