- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Hầu hết các bà mẹ mang thai thường trải qua giai đoạn ốm nghén
Ốm nghén giúp giảm nguy cơ sảy thai?
Vượt qua cơn ốm nghén
Ngồi thiền giúp bà bầu giảm ốm nghén
Mẹ ốm nghén - con có bị ảnh hưởng?
Chào bạn!
Cơn nôn khi nghén không nguy hiểm cho bào thai nhưng rõ ràng rất khó chịu và là nỗi ám ảnh đối với những người mới mang thai. Theo thống kê, có khoảng 90% thai phụ bị ốm nghén trong khoảng 3 tháng đầu thai kỳ, với các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, choáng váng... Không chỉ gây khó chịu, mệt mỏi, ốm nghén còn khiến mẹ bầu “mất ăn mất ngủ” vì sợ không dung nạp đủ chất dinh dưỡng cho bé yêu, nhất là những chị em bị nghén nặng.
Để giảm buồn nôn khi mang thai, hãy loại ra khỏi thực đơn những thức ăn và thức uống làm cho bạn có cảm giác sợ. Chỉ ăn những gì mà bạn thích, nhưng cần tránh những loại thức ăn chiên xào hoặc quá nhiều chất béo. Ăn uống cần thanh đạm hợp khẩu vị, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa hấp thụ. Loại thức ăn dễ dùng nhất là rau luộc, thịt cá hấp, quả chín như dưa hấu, nho, ổi... Uống nhiều nước, tốt nhất là trước hoặc sau bữa ăn 30 phút, với liều lượng ít một nhưng thường xuyên để tránh mất nước. Chú ý đừng để bụng đói, cũng đừng ăn quá no, vì dạ dày khó chịu dễ buồn nôn.
Một không gian thoáng đãng, không có quá nhiều mùi vị hỗn tạp rất tốt cho bà bầu tránh khỏi ốm nghén, buồn nôn. Do đó, bạn nên cố gắng tránh xa những nơi có mùi khó chịu làm bạn muốn nôn ói.
Nếu hay nôn vào buổi sáng, khi thức giấc bạn đừng vội trở dậy. Hãy nằm yên trên giường và ăn nhẹ. Hãy cố gắng ngủ trưa dù chỉ là một giấc ngắn nhưng không nên nằm ngủ ngay sau bữa ăn vì dễ trào ngược dạ dày thực quản. Đặc biệt là trong thời kỳ đầu, cần ổn định tình cảm, tránh stress, chú ý dành nhiều thời gian, nghỉ ngơi; Tránh môi trường ô nhiễm, hạn chế nơi đông người...
Chúc bạn sức khỏe!
Bác sỹ Nguyễn Thị Tân Sinh - Nguyên Phó Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai
Bình luận của bạn