Hôn mê rồi tử vong vì làm việc quá mẫn cán

“30 tiếng làm việc không nghỉ mà vẫn chưa xong”, cô gái Mita Dira 24 tuổi, chuyên gia về quảng cáo người Indonesia viết trên mạng xã hội hôm 14/12. Vài tiếng sau, Mita ngất xỉu, rơi vào tình trạng hôn mê và qua đời sau đó 1 ngày.

Đây không phải là nạn nhân duy nhất của tình trạng lao động quá sức ở thanh niên một số nước đang phát triển của châu Á. Các chuyên gia khuyên rằng đừng làm việc đến “điên dại” vì những lý do sau:

Chất lượng “đè bẹp” số lượng: Thực tế cho thấy, người lao động có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sinh lực hiệu quả hơn là làm việc triền miên. Mệt mỏi và mất tập trung khiến chúng ta khó có thể nảy ra ý tưởng mới, tìm ra các giải pháp sáng tạo hay đưa ra một phán xét sắc sảo, một quyết định táo bạo.

Mặt khác, càng phải ôm đồm nhiều thứ cùng lúc, con người ta càng khó xuất sắc trong chuyên môn. Cắt giảm những việc không cần thiết là sự lựa chọn sáng suốt.

Các vấn đề về giấc ngủ: Con đường dẫn đến một cuộc sống năng suất, hứng khởi và vui tươi hơn là ngủ đủ giấc. Có nhiều người “khoe” rằng họ chỉ ngủ 4 tiếng một đêm. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi có biến cố hoặc công việc thúc ép, gấp gáp, còn về lâu dài tình trạng thiếu ngủ sẽ gây tổn hại lớn cho sức khỏe.

Hậu quả khi làm việc quá nhiều 1
Càng phải ôm đồm nhiều thứ cùng lúc, con người ta càng khó xuất sắc trong chuyên
môn. Cắt giảm những việc không cần thiết là sự lựa chọn sáng suốt.

Tính khí khó chịu: Sự khó chịu và thiếu kiên nhẫn ở những người làm việc quá sức sẽ “ám” lấy họ kể cả trong công việc lẫn ở nhà. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì có thể nó sẽ làm hỏng sự nghiệp của bạn nếu bạn đi làm thuê hoặc mất uy tín nếu bạn là chủ doanh nghiệp nhỏ.

Việc mới không bao giờ hết: Đúng vậy, cơ hội trong công việc rất nhiều, bạn có thể bắt đầu một dự án mới, có một lượng khách hàng mới để theo đuổi, hoặc thử một công nghệ mới. Tuy nhiên, có tham công tiếc việc thì vẫn phải cân nhắc để xem mình có đủ thời gian và năng lượng để hoàn thành một cách xuất sắc hay không.

Môi trường làm việc quá áp lực: Một người lúc nào cũng chỉ chạy theo tiến độ và khối lượng công việc đồ sộ sẽ là đầu tàu kéo các nhân viên khác. Nhưng đến một lúc nào đó, điều đó trở thành gánh nặng, áp lực đối với toàn bộ nhân viên, môi trường làm việc như thế sẽ triệt tiêu ý tưởng sáng tạo của mỗi cá nhân.

Ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình: Những người làm việc mà không có thời gian dành cho gia đình chắc chắn gây tổn thương cho chính mối quan hệ của họ. Khi đó, hôn nhân có thể rạn nứt vì vợ chồng không còn thời gian để nói chuyện với nhau mỗi ngày.

Tự làm hại mình: Chắc hẳn bạn đủ thông minh để hiểu rằng làm việc liên tục 30 tiếng không ngừng nghỉ là quá mạo hiểm. Nhưng bạn có để công việc choán hết thời gian ăn uống và luyện tập thể thao, chưa kể đến ngủ không đủ giấc? Làm việc quá sức có thể khiến bạn bị giảm thọ, như vậy không đáng.

Đừng để phải hối tiếc: Một vài năm trước, truyền thông thế giới lan truyền tâm sự của nhân viên một nhà dưỡng lão Mỹ cho biết về 5 điều tiếc nuối nhất ở những bệnh nhân thổ lộ trước khi hấp hối. Tất cả những ai có sự nghiệp thành công đều lấy làm tiếc về số thời giờ họ dành cho công việc, nhưng cũng có nhiều người cho biết họ đã hoàn thành được các ước nguyện trong cuộc đời. Từ đó rút ra một điều rằng: Nếu cái gì đó giúp bạn thực hiện giấc mơ cả đời, cần phải đầu tư thời gian vào đó. Vì vậy, hãy tự hỏi: 10 năm tôi có còn quan tâm đến thứ đó không? Nếu câu trả lời là không, hãy bỏ đi để mà nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin