Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc, Trưởng Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết, về mặt kỹ thuật việc lưu trữ, thụ tinh từ tinh trùng người đã chết là điều không quá phức tạp.Tại TP HCM từng thực hiện kỹ thuật này, nhưng lúc đó người được lấy tinh trùng chỉ mới chết lâm sàng, vẫn còn thở chứ chưa chết hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuyết, trường hợp sản phụ tại Hà Nội thụ tinh thành công từ tinh trùng người chồng đã chết là rất hy hữu, rất may mắn. Không phải cứ người chết là sẽ lấy tinh trùng được. Về nguyên tắc một người sau khi chết thì những cơ quan trọng điểm trong cơ thể cũng sẽ chết trong tích tắc. Một số phần khác như tinh trùng thời gian sống sót tuy lâu hơn nhưng điều đó không có nghĩa việc lấy tinh trùng sẽ thuận lợi.
Bác sĩ Tuyết nhấn mạnh, ngoại trừ trường hợp bất đắc dĩ phải làm chứ nếu cứ lấy tinh trùng người chết thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Hơn nữa, đây là cả một vấn đề xã hội to lớn chứ không đơn thuần chỉ thuộc về khoa học.
Bác sĩ Tuyết cũng cho biết, có một số trường hợp người mắc các bệnh lý đặc biệt, bệnh nhân ung thư trước khi bước vào giai đoạn xạ trị, hóa trị... cũng tìm đến bệnh viện để thực hiện nhu cầu lưu trữ tinh trùng. Trước đây ung thư được xem là bản án tử hình. Hiện nhiều bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm, điều trị khỏi và có nhiều cơ hội trở về với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình chữa bệnh, việc xạ trị, hóa trị một số cơ quan trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến tinh hoàn, đến quá trình phát triển của tinh trùng. Trong trường hợp này, bệnh nhân khi phát hiện bệnh, trước khi bước vào giai đoạn hóa xạ trị có thể tự đến bệnh viện lấy mẫu tinh trùng để dự trữ. Sau đó người vợ đều có thể đến để bơm tinh trùng hay thụ tinh trong ống nghiệm.
"Riêng những trường hợp này thì nên thực hiện. Việc này mở ra cơ hội giúp nhiều người thực hiện được thiên chức làm cha sau khi điều trị ung thư", bác sĩ Tuyết nhận định.
Liên quan về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Hùng Nguyễn và Cộng sự,Đoàn luật sư TP HCM cho biết, căn cứ theopháp luật hiện hành thì 2 đứa trẻ được sinh ra từ tinh trùng của người cha đã mất không đương nhiên được công nhận là con đẻ của người cha ấy. Và mặc nhiên, các emsẽ không được cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch ghi tên cha và mang họ cha trên khai sinh. Hệ quả tiếp theo, do không được xem là con của người đã chết nên các bé không đương nhiên được hưởng di sản thừa kế theo quy định về thừa kế của Bộ Luật dân sự.
Tại Điều 21, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 về việc xác định con chung của vợ chồng như sau:
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật Hôn nhân và gia đình được xác định là con chung của vợ chồng...
2. Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người...
Mặt khác tại Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành xác định:"Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân".
Theo như quy định trên có thể thấy quan hệ hôn nhân giữa người vợ và người chồng trong trường hợp này đã chấm dứt kể từ thời điểm người chồng chết. Hai đứa trẻ không được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên về mặt pháp lý không thể coi là con của người đã mất. Cụ thể trong trường hợp vừa qua, người vợ chờ đến ba năm mới sử dụng tinh trùng được làm lạnh của người chồng quá cố để thụ tinh (cộng với thời kỳ thai nghén bình thường trên 9 tháng). Vậy 2 đứa trẻ được sinh ra sau ngày người chồng mất vượt quá 300 ngày để được xác định là con chung của vợ chồng theo quy định đã dẫn ở trên.
Để có thể giải quyết tình trạng khó khăn về pháp lý hiện nay, người mẹ của 2 đứa trẻ có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án xác định cha cho 2 con của mình theo quy định của Bộ luật dân sự. Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con để được Tòa án công nhận là các tài liệu liên quan đến quá trình lấy tinh trùng, lưu trữ, cấy ghép... do bệnh viện lưu giữ.
Khi được Tòa án công nhận là con của người đã chết, 2 đứa trẻ có đầy đủ quyền về hộ tịch như: khai nhận cha và mang họ cha trong khai sinh; quyền về thừa kế di sản của người cha đã mất bình thường như những đứa con khác.
Qua vụ việc trên, luật sư Ngọc Hùng khuyến nghị,pháp luật nên bổ sung vấn đề công nhận là con chung vợ chồng cho các trường hợp sinh con bằng phương pháp khoa học tương tự như trên.
Trước đó ngày 9/12, một sản phụ tại Hà Nội sinh đôi hai bé trai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng từ người chồng quá cố cách đây 3 năm. Đây là ca thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng người chết lần đầu tiên tại Việt Nam. Sự việc này đã dấy lên nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý, đạo đức...
Bình luận của bạn